Monday, 18 May 2015

Tiến trình tạo nên đau khổ
 SC Liễu Pháp
 
Tứ diệu đế không phải là cái gì cao siêu vượt khỏi đời sống thế tục mà là những pháp ta có thể thấy, quan sát và chiêm nghiệm ngay trong những sinh hoạt hàng ngày của mình. Những sinh hoạt đó biểu hiện qua mối quan hệ giữa các giác quan và các đối tượng bên ngoài. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, làm khởi sinh lên sáu thức. Sự gặp gỡ của căn, trần và thức gọi là xúc (phassa), và do có xúc mà có cảm thọ phát sinh (S. II.273.).

Trong kinh Đức Phật nói đến cảm thọ thuộc về tâm (cetasika), và cảm thọ thuộc về thân (kāyika). Ngài cũng nói đến 3 loại cảm thọ: khổ (dukkha), lạc (sukha), và không khổ không lạc (adukkhamasukha). Đôi lúc ngài lại nói đến 5 loại cảm thọ: lạc (sukha), khổ (dukkha), hỷ (somanassa), ưu (domanassa) và xả (upekkhā) (S.IV. 231.).

Mặc dù có cảm thọ lạc và xả, Đức Phật nói thêm rằng "Bất cứ cái gì được cảm nhận, cái đó đều có thuộc tánh đau khổ (yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmin - S.IV.216.). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao khổ lại phát sinh từ cảm thọ.
Trước hết, tại sao cảm giác khó chịu làm phát sinh đau khổ? Ở đây chúng ta cần chú ý rằng Đức Phật và các bậc thánh vẫn có những cảm giác khó chịu, hay nói chính xác là các thọ khổ thuộc về thân. Chừng nào các ngài còn có thân ngũ uẩn thì chừng đó các ngài còn phải chịu các loại bệnh tật và còn có các cảm giác đau đớn, nhưng đối với các ngài các cảm giác đau đớn không đưa đến đau khổ. Đây là điểm khác biệt giữa một kẻ phàm phu và một bậc thánh. Kẻ phàm phu, khi có một cảm giác khó chịu, dưới ảnh hưởng của sân tuỳ miên (paṭighānusaya), liền cố gắng mọi cách để xua cảm giác đó đi càng sớm càng tốt. Trong kinh nói, "khi một người có cảm giác khó chịu thì buồn rầu, sầu muộn, rên rỉ, than khóc, đấm ngực, và trở nên quẫn trí" (S.IV.207). Như vậy, người ấy đã chồng thêm một lớp khổ tâm lên trên cái khổ thuộc về thân, và kết quả người ấy phải chịu hai loại cảm thọ: khổ thân và khổ tâm. Trong trường hợp đó người ấy đang có khổ khổ (dukkha-dukkha).

Trong cuốn Sammohavinodanī, chú giải của Bộ Phân Tích, các nhà chú giải giải thích rằng khổ thân và khổ tâm được gọi là khổ khổ là do đặc tánh riêng của chúng vốn là khổ, bởi vì tên của nó là như vậy, và bởi vì sự đau đớn của nó (tattha kāyikacetasikā dukkhavedanā sabhāvato ca nāmato ca dukkhattā 'dukkhadukkhaṃ' nāma - Vibh.A.93.). Nhưng chúng ta có thể nói một cách đơn giản rằng nó được gọi là khổ khổ vì ở đây có tới hai lớp khổ chông lên nhau, một là khổ thân và hai là khổ tâm. Trong hai lớp khổ này, theo chú giải, có tám yêu tố gây nên các cảm giác khổ thuộc về thân, đó là do sự rối loạn của mật, đàm, của yếu tố gió trong cơ thể, do sự mất cân bằng của các chất nội tiết, do sự thay đổi của thời tiết, do bất cẩn, do những sự tấn công từ bên ngoài hay do nghiệp đã làm trong quá khứ (S.IV.231).

Trong khi đó, những thọ khổ của tâm là do sân hận gây nên. Tâm sân này là gây nên bởi một dạng tham ái, gọi là phi hữu ái (vibhava-taṇhā). Ở đây, đó là sự tham ái mong muốn sự không hiện hữu của thọ khổ. Khi một người phàm phu có thọ khổ, người ấy không muốn có cảm thọ đó, mà muốn có một thọ lạc thay thế.

Nguyên nhân của thứ tâm lý này, theo Đức Phật dạy, là do "người đó không biết một cách nào để thoát ly khổ thọ ngoại trừ dục lạc." (S.IV.208) Vậy thì đâu là lối thoát cho thứ khổ-khổ này? Trong Tương Ưng Bộ kinh, phần thọ tương ưng, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta một phương thức để thoát ly khổ khổ. Nếu có thọ khổ khởi lên cho một người nào, người đó nên hiểu rằng "một thọ khổ đã khởi lên trong tôi".

Người đó nên hiểu rằng thọ khổ này phụ thuộc vào xúc mà phát sanh, nên nó là vô thường, là do duyên mà sanh khởi, là phụ thuộc vào các pháp khác. Người đó biết rằng cảm thọ đó sinh lên và diệt đi, nó không tồn tại mãi. Bằng cách quán sự vô thường và sự biến mất của cảm thọ, người đó loại bỏ được sân tuỳ miên (paṭighānusaya) đối với thọ khổ (S.IV.213). Nhờ vậy, khi có một cảm giác khó chịu, người ấy cảm nhận nó một cách khách quan, và chỉ có chịu một thọ khổ duy nhất là thọ khổ về thân, chứ không bị khổ tâm.
Tiếp theo, làm thế nào mà thọ lạc cũng dẫn đến đau khổ? Khi người phàm phu cảm nhận một thọ lạc, người đó không dừng lại ở mức độ chỉ quan sát nó. Người đó thường có khuynh hướng bám víu lấy nó, do ảnh hưởng của dục ái tuỳ miên (kāmarāgānusaya). Người đó không biết rằng cái cảm giác dễ chịu này là vô thường, và chắc chắn sẽ phải diệt đi.

Người đó vui thích trong thọ lạc, và muốn kéo dài nó. Trường hợp này chính là hữu ái (bhava-taṇhā), lòng tham muốn đối với sự hiện hữu của thọ lạc. Nhưng các pháp thì luôn luôn thay đổi, và không có thọ lạc nào có thể kéo dài vô tận, và điều đó dẫn đến sự thất vọng và đau khổ. Loại đau khổ này gọi là hoại khổ (viparināmadukkha).

Chú giải Bộ Phân Tích nói rằng "thọ lạc của thân và tâm được gọi là hoại khổ bởi vì nó là nguyên nhân của sự phát sanh đau khổ qua sự thay đổi vô thường của chúng (sukhavadanā vipariṇāmena dukkhuppattihetuto 'vipariṇāmadukkhaṃ' nāma - Vibh.A. 93.). Phương pháp để thoát khỏi loại khổ này là "hiểu được một cách như thực sự khởi sanh và hoại diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ này." (S.IV.209) Thấy được bản chất của sự sanh diệt, và tất cả những khía cạnh khác, thì khi một người cảm nhận một thọ lạc, người đó cảm nhận nó một cách khách quan, và do đó không còn bị đau khổ.

Cuối cùng, làm thế nào mà thọ xả cũng dẫn đến đau khổ? Khi người phàm phu, cảm nhận một thọ xả, do cảm thọ này quá nhẹ, quá vi tế, người đó cảm thấy chán, và muốn làm một cái gì đó để có một cảm giác mạnh hơn. Cái ý muốn làm cái gì đó để có lạc thú manh mẽ hơn cũng là một dạng tham ái, được gọi là dục ái (kāmatanhā), tức là tham ái đối với dục lạc. Loại tham ái này chịu ảnh hưởng của vô minh tuỳ miên (avijjānusaya), tức là không hiểu được sự sanh diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ này (Ibid.). Trong nổ lực đi tìm cảm giác mạnh, người ấy tạo nên hành khổ (saṅkhāra dukkha). Chú giải của bộ Phân Tích giải thích rằng thọ xả và các hành còn lại trong tam giới được gọi là hành khổ bởi vì chúng bị áp bức bởi sự sanh diệt (upekkhāvedanā ceva avasesā ca te bhūmakā saṅkhārā udayabbayapīḷitattā 'saṅkhāradukkhaṃ' nāma - Vibh.A.93.)

Như vậy khổ tâm được gây ra bởi tham ái đối với các cảm thọ. Vì vậy muốn thoát khỏi khổ tâm cần phải quan sát cảm thọ như chúng đang là, mà không nắm bắt hay loại bỏ chúng. Điều này có thể làm được bằng cách quán cảm thọ như đã được mô tả rất rõ ràng trong bài kinh Đại Niệm Xứ của Trường Bộ kinh, là một bài kinh rất quan trọng cho việc tu tập. Trong bài kinh này, Đức Phật đã chỉ ra con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn, đó chính là chánh niệm trên thân, thọ, tâm và pháp.
Liễu Pháp
--
http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TienTrinhTaoDauKho/index.htm

No comments: