Thursday, 6 October 2022

Văn hóa đọc : 2 trường phái 1/ Kinh viện 2/ Kinh nghiệm 3/ Cả hai :)

 

                            Phát biểu của Tác giả Đinh Đức Hoàng tại Lễ Khai giảng 2022 | Đại học Fulbright Việt Nam

 

Dán bài cùng đề tài ở đây, hy vọng có thể nghe bằng flug in:

ĂN MÀY KIẾN THỨC (1)

Nguyễn tiến Thanh

 

Nhà báo Đinh Đức Hoàng- giờ là KOL Hoàng Hối Hận trên mạng xã hội- dẫn F.Nietzsche để nói với sinh viên của một đại học danh tiếng rằng ,“việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành những trọc phú kiến thức chứ không giúp bạn trở thành người giỏi hơn”.

Với những gì đã đọc (có thể là rất hạn hẹp), tôi chưa bắt gặp khái niệm “ trọc phú kiến thức” này ở bất kỳ tác phẩm nào của Nietzsche, nhưng có một câu khác của triết gia người Đức mà tôi thích nên đã hơn một lần dẫn ra để tự răn mình: “Tôi đã trông thấy tận mắt: những kẻ có bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do, khoảng ba mươi tuổi mà đời đã tan hoang vì đọc sách – họ chỉ là những cây diêm quẹt mà mình cần phải đánh lửa thì lửa mới toé ra được- những tư tưởng đấy mà".

Điều này có nghĩa là gì? Theo cách hiểu của tôi, có nghĩa là trong cái ẩn dụ mang tính bi ai của triết gia người Đức đối với những người đọc sách thụ động, vẫn hàm ý một thừa nhận: việc đọc giống như tích tụ năng lượng, mà khi được kích hoạt, nó sẽ phun trào. Có lẽ ông chỉ tiếc rằng, những kẻ “có bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do” ấy đáng ra phải là người đánh lửa thì lại trở thành que diêm.

Nhưng xét cho cùng, những kẻ có bản chất như Nietzsche nói cũng chỉ là số ít. Với số đông còn lại, nếu không có thiên bẩm, nhờ đọc sách mà trở thành que diêm, có thể toé lên lửa- những tia lửa hay ngọn lửa tư tưởng (dù là phải nhờ những người như Nietzsche đánh lửa) cũng là vốn quý trong cuộc đời này.

Tôi dẫn lại câu này một lần nữa không phải để ám chỉ Hoàng. Đời bạn ý không hề tan hoang vì đọc sách. Sự thông minh thiên bẩm của Hoàng cộng với kiến thức tích lũy qua sách vở để viết báo, và sau này là viết tút, đã giúp bạn mua nhà và sống sung túc (những điều này tôi biết qua chính tự sự của Hoàng). Sau khi trở thành KOL, những thứ Hoàng viết mà tôi đã đọc đều thấy có nét giống nhau: tuy không có luận điểm của riêng mình, nhưng đọc cũng thú vị, cuốn hút bởi đôi lúc có sự phát sáng và lấp lánh trong cái mớ lằng nhằng, hỗn mang của câu từ.

Chỉ là lần này tình cờ đọc Hoàng, tôi khá ngạc nhiên khi Hoàng đưa ra khái niệm “trọc phú kiến thức” và cho rằng mình “may mắn học được từ Nietzsche “.

Theo hiểu biết hạn chế của tôi, hình như Nietzsche chưa bao giờ tỏ ý mục hạ vô nhân, khinh thị những người chịu đọc hoặc đam mê đọc để có sự giàu có về kiến thức như vậy. Hoàng siêu thông minh và…láu cá khi viết mù mờ như sau: “Tôi xin phép được giới thiệu với các bạn một khái niệm bằng tiếng Đức, “Bildungsphilister”. Đọc là bi-đung-phi-lis-tà. Nó là một khái niệm do Fedredrich Nietzsche đề xuất. Nghĩa của nó, tôi tạm dịch, là “trọc phú kiến thức”.

Thực ra Friedrich Nietzsche (Hoàng gõ sai thành Fedredrich) có đưa ra khái niệm đó trong tác phẩm nào của ông hay không, điều đó không quan trọng. Quan trọng là Hoàng đã biết dựa vào cái bóng vĩ đại của tiền nhân để “nguy hiểm hoá”, nâng tầm triết học về một khái niệm rất đơn giản, vốn để chỉ một hạng người hiện diện trong bất kể xã hội nào từ hàng ngàn năm nay. Nếu chỉ diễn đạt một cách thông thường, dung dị, tường minh nhằm phê phán hạng người chỉ biết “ tầm chương trích cú” để khoe mẽ, chắc chắn Hoàng sẽ không có một bài nói- viết mấy ngàn từ gây bão mạng xã hội như vậy.

Rất thành công với tư cách là sản phẩm của KOL, nhưng trên phương diện “kiến thức” (theo nghĩa Hoàng muốn thể hiện), bài viết của Hoàng khiến tôi … kinh hãi. Đó là cảm nhận sau khi tôi nhận ra thủ pháp của Hoàng: đánh hỏa mù quan điểm bằng một văn phong tù mù và hỗn mang. Thủ pháp đó tạo sự hấp dẫn đối với người đọc nhưng làm làm lộ ra những lỗ hổng kiến thức, nhất là khi KOL tự khoe cái tôi một cách quá mức, dù được che đậy một cách…thông minh và liều lĩnh. Thông minh là khi Hoàng cho mọc lên trong bài viết một rừng tên tác giả và tác phẩm kinh điển ở mọi thời đại, mọi lĩnh vực mà anh khoe là đã đọc, liều lĩnh là khi anh dám bê một nhà ngôn ngữ học sang lĩnh vực kinh tế và bịa ra việc đã từng đọc một trước tác không có thật của một triết gia lừng danh trong lịch sử. Sự thông minh đã khiến bài viết của Hoàng gây ấn tượng, bản thân tôi cũng thích và bị cuốn hút khi thoạt đọc, vì nghĩ rằng đó chỉ đơn thuần là một tút trên fb.Tút trên fb thì chỉ cần thú vị (dù nhảm nhí hay nghiêm túc) sẽ có like. Còn sự liều lĩnh lại khiến bài viết của Hoàng trở thành một thứ hàng giả, bao bì đẹp và hào nhoáng nhưng nội dung độc hại, khi nó được vang lên trước những sinh viên trong lễ khai giảng của một Đại học danh tiếng, và một phần vì điều đó, nó được Viral chóng mặt trên mạng xã hội như một chân lý vừa được khám phá?

Ở góc nhìn cá nhân, tôi cảm nhận khái niệm “trọc phú kiến thức”- mà Hoàng cho rằng là hệ quả của việc đọc nhiều và gán cho Nietszche bằng cách “tạm dịch” thuật ngữ tiếng Đức “Bildungsphilister”- thực ra là một trò chơi lắp ghép tiếng Việt khá vô nghĩa.

Căng mắt dõi theo một văn bản lờ mờ tản mác những mâu thuẫn, cuối cùng người đọc cũng tìm được đoạn Hoàng lý giải ai là người sẽ được coi là trọc phú kiến thức: “Trọc phú kiến thức là cách mô tả dành cho những người đọc rất nhiều, báo chí, sách vở, ghi nhớ những kiến thức trong đó và tin rằng chúng là của mình”.

Nhưng nếu trắng phớ và đơn giản như vậy thì còn gì là đặc sắc? Phải dẫn người đọc vào những góc tăm tối nhất của ngôn ngữ, đưa ra những quan điểm phi lý nhất mới là một KOL cao thủ. Chính vì vậy mà khi Hoàng viết đầu Ngô mình Sở, người đọc lướt vẫn cực kỳ khâm phục kiến văn rộng rãi của anh. Kiểu như đoạn này: “Chính tôi đã sống như vậy – đã biết đặt câu hỏi và nghi ngờ mọi thứ kinh nghiệm mà người đi trước ra sức truyền dạy – bây giờ tôi lại bảo các bạn nghe tôi đi, điều hay lẽ phải đây nè, quá là dở hơi.Nghịch lý này tồn tại ở khắp nơi. Giống như ngay cả chủ nghĩa tự do đến cuối cũng là một hệ thống nguyên tắc ngặt nghèo, mà thỉnh thoảng, trong lịch sử người ta nhân danh chủ nghĩa tự do để áp đặt người khác bằng vũ lực. Ai lại đi áp đặt người khác phải tự do, lại còn bằng vũ lực? Kiểu tự dưng xông vào đấm người ta sưng cả mắt, ai cho phép mày nghĩ thế, mày phải suy nghĩ tự do lên”.

Quá thông minh nên không khó nhận ra mâu thuẫn trong việc mình đang truyền dạy kinh nghiệm “nghi ngờ mọi thứ kinh nghiệm mà người đi trước ra sức truyền dạy”, Hoàng khéo léo tự trào và che phủ mâu thuẫn bằng những bình luận vô nghĩa về chủ nghĩa tự do- một khái niệm mà tôi mạnh dạn võ đoán rằng, hầu hết những sinh viên 17 tuổi ngồi dưới sẽ u u minh minh, không hiểu hoặc chí ít cũng không quan tâm trong suốt quãng đời đi học của họ.

Ở những đoạn lý giải tường minh và đơn giản hơn, Hoàng lại khá cực đoan. Chẳng hạn Hoàng khẳng định: “Việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành những trọc phú kiến thức”. Ơ hay, nói như Hoàng thì chả lẽ đọc ít sẽ trở thành đại gia kiến thức à? Nhấn mạnh bằng từ “sẽ chỉ khiến”, Hoàng tiên tri về tương lai u ám và thậm chí đáng khinh của tất cả những người đọc nhiều, cho dù họ đọc gì, đọc như thế nào và tiếp nhận những gì qua việc đọc. Tôi đồ rằng, những người đang nhiệt thành cổ suý cho việc chấn hưng văn hoá đọc sẽ chết đứng khi nghe tuyên bố của Hoàng, nhưng sinh viên thì sẽ rất vui trước những lời xúi dại nhảm nhí đầy tính mị dân ấy, vì đứa nào đi học chả muốn chơi nhiều, học ít và đọc ít. Thì đây nhé, diễn giả mà chính Chủ tịch trường mời đến đã vẽ đường cho các em chạy. Chủ đề “Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn” đã được diễn giả hoàn thành một cách xuất sắc theo cách đầy khác biệt. Các bậc tiền nhân khích lệ việc đọc cho sĩ tử bằng những lời dụ hoặc kiểu “ Duy hữu độc thư cao” hoặc “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” không thể hiệu quả bằng việc Hoàng phá vỡ khuôn mẫu này, kiến tạo thế giới theo cách của Hoàng: nã những đại ngôn phản giáo dục thẳng vào dây chuyền cung cấp nguyên liệu chính để hình thành kiến thức, công phá phương tiện quan trọng và hữu hiệu để truyền đạt kiến thức giữa thầy và trò.

Thời đại của thế giới ảo, các followers coi KOL hơn thánh hiền, thế là viral rợp trời, thuốc gây mê cho những kẻ nghiện like được gieo thẳng vào …thánh đường tri thức trong một đại lễ khai giảng trọng thể cơ mà? Không hiểu tâm trạng của vị Chủ tịch đáng kính của đại học Fulbright Việt Nam - chắc chắn là một người đọc nhiều hiểu rộng- diễn biến ra sao khi vị khách mời của bà nói ra những điều cực đoan, thậm chí là nhảm nhí và phản giáo dục như vậy?

“Tôi và nhiều thầy ở đây sẽ nói rằng kể cả bạn có xem hết Michael Moore, Adam McKay và đọc hết cả Noam Chomsky, bạn chưa biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ đâu. Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008. Đó thường là cách mà tri thức tự thân hình thành. Đọc, ghi nhớ, và nói lại những tri thức đã được viết thành sách vở không sai. Nhưng nó không bao giờ đúng. Bởi vì tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận”-Hoàng nói. Trời ạ, chả lẽ vì muốn có một văn phong cao siêu như các tác gia kinh điển đã dẫn trong bài, nên Hoàng mới đưa ra cách diễn đạt “không sai…nhưng không bao giờ đúng”. Tiếng Việt qua cách viết này trở nên hài hước và đánh đố, chắc các em sinh viên ở dưới và “nhiều thầy” được Hoàng lôi vào ngồi cùng chiếu cũng “ong cả thủ” như vịt nghe sấm mà không hiểu gì?

Thêm nữa, tôi chưa đọc Noam Chomsky, nên không biết rằng dù đọc ông “cũng chưa biết chuyện gì xảy đã xảy ra ở Mỹ”. Tuy vậy, tôi cũng láng máng biết Noam Chomsky chủ yếu là một nhà ngôn ngữ học, thế nên khá…ngơ ngác khi thấy Hoàng lôi ông vào lĩnh vực thuần túy kinh tế : “Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008”. Có thể do đọc nhiều hiểu rộng nhưng không phải là “ trọc phú kiến thức” vì hình thành được “tri thức tự thân”, Hoàng đã thực sự “nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường Bất động sản Việt Nam” và “hiểu chuyện gì diễn ra ở Mỹ năm 2008” bằng “quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận”. Tôi chỉ không rõ Hoàng “chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ” hoặc “tự phản biện, tự luận” như thế nào, nếu không phải là Hoàng đọc qua sách báo? Hoàng không điều hành ngân hàng nào, và chắc cũng không kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. Hoàng cũng không sống ở Mỹ năm 2008, vậy Hoàng “chiêm nghiệm, trải nghiệm” rồi tự phản biện, tự luận cái gì? Hay là ngay cả việc so sánh thị trường Việt Nam 2022 với chuyện xảy ra ở Mỹ năm 2008 cũng được Hoàng cóp nhặt từ nguồn đọc nào đó mà thôi?

Luận điểm trong đoạn này của Hoàng không chỉ là sự ba hoa rỗng tuếch thường gặp (tuy không phải tất cả) ở các bài viết của KOL, mà nguy hiểm hơn nó là một sự ba hoa rỗng tuếch về nội dung, sai về kiến thức, ngụy biện về lập luận, cho dù Hoàng đã “hạ cố” lôi các thầy vào làm khiên chắn trong câu dẫn đề có chủ ý nhưng vô căn cứ: “tôi và nhiều thầy ở đây sẽ nói rằng…”.

Chưa hết, để dẫn nhập vào khái niệm “trọc phú tri thức”, Hoàng kể: “Trong những đêm trắng ở văn phòng, tôi ăn mì xong thì đọc Tư bản luận của Marx, đọc Kinh Tăng chi bộ của Thích ca, đọc Đạo đức học của Kant và Zahasthustra đã nói như thế của Nietzsche và tất nhiên là chẳng hiểu gì cả”. Thú thật, hơn 30 năm trước,khi đi học ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội- một hang ổ của vài kẻ cuồng triết học nhưng thường phải đọc chay, đọc ké và còn nghèo khó hơn tuổi 19 của Hoàng rất nhiều, tôi có biết đến “ Zarathustra đã nói như thế”(Hoàng gõ nhầm thành Zahasthustra), biết đến chủ yếu vì thích văn phong của Nietzsche chứ không quan tâm đến tư tưởng.

Còn về Immanuel Kant, ngoài việc biết ông có bộ ba tác phẩm “Phê phán …” lừng danh (nhưng không tài nào đọc nổi), tôi nhớ mỗi câu hoa mỹ mà ngày ấy gã sinh viên nào đi tán gái cũng thuộc nằm lòng: “Cái đẹp không phải trên má hồng người thiếu nữ mà là trong con mắt kẻ si tình”. Tuy vậy, bộ nhớ đã hư hao nhiều bởi năm tháng của tôi còn đủ nhận biết rằng hình như Kant có viết cuốn “Siêu hình học về đạo đức”. Học thuyết về đạo đức của ông cũng được đánh giá cao. Nhưng ông tuyệt đối không có tác phẩm nào tên là Đạo đức học cả.

Thế nên tôi hoang mang vì không biết ở tuổi 19 Hoàng đọc cuốn sách không có thật đó như thế nào? Sự hoang mang khiến tôi cũng nghi ngờ luôn rằng, đối với những tác phẩm có thật mà Hoàng kể tên, liệu Hoàng có đọc không?Trong trường hợp đúng như tôi nghi ngờ, khái niệm “trọc phú kiến thức” để chỉ những kẻ tầm chương trích cú có phải chính là “ tri thức tự thân” Hoàng có được thông qua “trải nghiệm” của chính mình?

Nghi ngờ là vậy, nhưng có một điều tôi tuyệt đối tin chắc : Hoàng rất thông minh khi dựng lên một cạm bẫy thập diện.

Trước hết là với người nghe-sinh viên và follower- tín đồ của KOL. Choáng váng vì rừng tên tuổi được liệt kê, họ bị gây mê bằng hỏa mù ngôn ngữ, lạc hướng trong cách diễn đạt mập mờ, không rõ ràng, thậm chí ngụy biện, phiến diện và cực đoan khi Hoàng nhận định mối liên hệ đọc- tích lũy kiến thức.

Đối với người phản biện, họ buộc lòng phải tầm chương trích cú như Hoàng để minh chứng cho luận điểm. Trong khi đó khái niệm “ trọc phú kiến thức” dù không có thực, nhưng được Hoàng treo trên đại thụ mang tên Nietzsche, giống như một chiếc mũ nguy hiểm bất cứ lúc nào cũng có thể chụp xuống đầu họ.

Đối với các follower, họ thấy thú vị- thứ duy nhất họ cần- nên viral như mưa bay chớp giật là điều tất yếu.

Đối với vị chủ tịch khả kính của Đại học danh tiếng kia, tôi không biết bà có hối hận khi mời Hoàng Hối Hận phát biểu không? Nếu buổi sớm tinh mơ sau hôm khai giảng, sinh viên của bà từ bỏ việc đọc- một hành vi cần thiết song hành với việc học- vì e ngại rằng sẽ đặt chân lên một hành trình trở thành một “trọc phú kiến thức” đáng khinh như khuyến cáo của vị khách mời mà bà trân trọng, bà sẽ đồng tình hay phản đối?

Cuối cùng, rồi cạm bẫy thập diện cũng sập xuống chân kẻ đặt ra nó. Hoàng thông minh quá nên bị thông minh hại. Việc “nổ” ở một giảng đường đại học khác xa với việc “chém” trên mạng xã hội. Khi mê say với việc khoe cái tôi, Hoàng đã lộ ra gót Asin chí tử: sự thiếu hệ thống về kiến thức, sự nhạt nhoà quan điểm cá nhân được phủ lấp bằng vẻ hào nhoáng của ngôn từ và liên tưởng (đôi khi rất khiên cưỡng). Giống như một tấm áo hoa sặc sỡ được may bằng chỉ mục, chỉ cần người hữu tâm kéo nhẹ sẽ toạc ra ngay. Có thể bài viết sẽ khiến Hoàng được biết đến nhiều hơn, lượng follow tăng mạnh hơn, nhưng nó không bù đắp được cho những đổ vỡ từ phía những người yêu mến việc tích lũy kiến thức, yêu mến sự thông minh của Hoàng, khi lòng tin về sự trung thực, tử tế, hiểu rộng của Hoàng có nguy cơ biến mất không một tiếng vang. Điều này sẽ xảy ra ngay lập tức nếu bạn bè đọc được câu khoe khá…đểu (theo nghĩa rất đàn ông) và trịch thượng này của Hoàng: “Tôi có nhiều bạn bè là trọc phú kiến thức. Họ có vị trí xã hội, tiền kiếm cũng không khó quá”.

Viết đến đây, tôi phải thú thực một điều, lúc đầu đọc bài này của Hoàng, tôi cũng thấy cuốn hút và khá thích vì nó rất thú vị, mang phong cách đặc trưng của Hoàng- một cảm giác thú vị như xem Showbiz diễn. Vấn đề là bài nói này lại vang lên trong đại lễ khai giảng ở một Đại học danh tiếng. Nó khiến tôi như lâm vào tình huống xem Showbiz diễn ở nhà hát Opera.

Chợt nghĩ ra, nhiều KOLs và Showbiz giống nhau ở chỗ là tự ảo tưởng vì được đám đông tung hô. Những thứ họ làm được không phải là không có giá trị, nhưng họ lại muốn được công nhận ở khía cạnh khác. Showbiz là giải trí- không phải nghệ thuật. KOLs là câu like, không phải sáng tạo. Đáng tiếc và đáng thương là họ không nhận ra giá trị của mình, lại luôn ảo tưởng về một thứ giá trị khác không thuộc về họ. Trao đổi với họ thật khó.

Dông dài mãi mới chợt nhớ ra vẫn chưa viết đến chủ đề liên quan đến cái tựa đề “ăn mày kiến thức”. Nhưng mà đã lê thê quá, đành tạm coi đây là phần 1. 

--

 

 

ĂN MÀY KIẾN THỨC (2)

Nhiều bạn comment vào bài “Ăn mày kiến thức (1)” của tôi theo cách hiểu: tôi đang phản biện bài “Một trọc phú kiến thức” của KOL Hoàng Hối Hận, nhất là khi anh nâng tầm triết học mà nói rằng, khái niệm trọc phú kiến thức anh may mắn học được từ F.Nietzsche. Thực ra không phải vậy.

Tôi chỉ mượn việc nói về bài viết của Hoàng để diễn đạt cảm nhận cá nhân của mình đối một vấn đề đặt ra trong đời sống thường nhật của chúng ta: mối tương quan giữa việc “đọc” với việc thu nạp, tích luỹ và hình thành nên kiến thức của mỗi người.

Đây là một hành vi cá nhân, nói cách khác là một hành vi tự thân và mỗi người sẽ lựa chọn thực hiện nó theo cách thức, mục đích với những động lực khác nhau- tuỳ thuộc vào tính cách, điều kiện, sở thích, thời gian và đôi khi là… số phận.

Một ví dụ, và cũng là một tự thú chân thành: tôi đọc sách chủ yếu để giải trí, nên chỉ đọc những gì mình thích, vào những khoảng thời gian mà tôi thấy muốn đọc. Khi bị cuốn hút bởi những việc khác mà lúc đó tôi thấy thú vị hơn thì chắc chắn tôi dừng đọc. Như Nietzsche (lại Nietzsche, khổ thật, hình như tư tưởng của ông luôn phủ bóng lên cuộc đời của những kẻ từng đọc mình) nói: “Sáng sớm tinh mơ, lúc bình minh bùng vỡ, khi tất cả mọi sự đều tươi mát, nằm trong triều dương của sức mạnh mình,- thế mà đi đọc một quyển sách trong lúc như vậy thì đó chỉ là tồi bại quá đi thôi ".

Mặc dù không thể coi những hình tượng và ẩn dụ mang tính tư biện trong triết học là những khoảnh khắc của đời sống, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù vĩ đại như Nietzsche thì không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Bằng chứng là hơn 30 năm trước, có lúc nếu tình cờ vớ được một cuốn sách hấp dẫn, tôi sẽ giống như một con nghiện, lao vào mê mải quên hết sự đời - vì đọc lúc đó là một hành vi để thoả mãn nhu cầu đang cuốn hút tôi nhất.

Lúc đó thì chả cần biết “bình minh bùng vỡ” hay hoàng hôn rớm máu mặt trời, chả cần biết “mọi sự đều tươi mát, nằm trong triều dương của sức mạnh mình” hay là mệt đứ đừ lăn mình dưới sàn đá hoa để chống chọi cái nóng oi của một ngày hè mất điện thời bao cấp, tôi sẽ kệ xác Nietzsche để trở thành một kẻ “tồi bại quá đi thôi”...

Điều duy nhất tôi ân hận khi không nghe lời răn của triết gia người Đức là chuyện tan vỡ đến 2 cuộc tình chỉ vì nói dối (con nghiện thì hay nói dối): ham đọc “Tiếu ngạo giang hồ” nên bịa chuyện để “cancel” một buổi xem phim và một cuộc cà phê vườn. Nhớ lại chuyện này, tuy phải gửi lời xin lỗi muộn màng đến hai em, tôi vẫn cám ơn Kim Dung tiên sinh vì đã cho tôi chìm đắm trong cảm giác say mê, ở một thế giới mà danh xưng chính- tà chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch, những con người thực mới là nội hàm sáng tạo của nhà văn.

Nguỵ quân tử Nhạc Bất Quần của phe chính còn đáng khinh hơn hơn chân tiểu nhân Đông Phương Bất Bại của phe tà - dù cuối cùng cả 2 đều biến thành vô tính (cả về giới tính lẫn nhân tính), hi sinh cả thứ quan trọng nhất của đàn ông để đạt được danh - lợi để rồi kết thúc trong bi kịch. Đó là chưa kể đến việc thuở ấy chưa có Internet, khát vọng nhất thống giang hồ chưa chắc đã mạnh hơn khát vọng câu like. Còn cặp tri âm tri kỷ một chính một tà Lưu Chính Phong của Hành Sơn và Khúc Dương của Nhật Nguyệt Thần Giáo đã sẵn sàng đón nhận cái chết để tấu khúc tiếu ngạo giang hồ với lòng tin không thay đổi về một lẽ giản đơn trong cuộc đời: hãy sống đúng với con người mình, dù nhân thế chụp lên đầu họ cái mũ chính hay tà.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thời chúng tôi đi học, cả Nietzsche và lẫn Kim Dung đều bị “cấm”. Một người bị coi là “phản động” vì một lý do trớ trêu: Hitler -với tư cách cá nhân- rất thích, thậm chí sùng bái tư tưởng siêu nhân của ông. Người kia thì bị coi là “đồi truỵ”, vì lý do trớ trêu hơn nữa: tác phẩm của ông bi coi là rẻ tiền, kích động bạo lực, và bị gọi với một cách rất khinh thị là “truyện chưởng”.

Khi đó mấy đứa sinh viên Tổng hợp Văn chúng tôi thường là phải lén lút chuyền tay nhau những tác phẩm của Kim Dung in trước 1975 được dịch giả Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ- những cuốn sách thường là mất bìa, nát bươm, có khi bị xé đi mất những chương gay cấn nhất. Còn “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche thì tình cờ tôi tìm được trong thư viện khoa Văn một bản dịch đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng dính và ố vàng. Bản dịch đề tên học giả Phan Ngọc.

Tôi đồ rằng, chính trong thời gian bị quy chụp oan uổng về tư tưởng, không được giảng dạy và bị phân công về làm thủ thư thư viện khoa, Phan Ngọc đã chuyển ngữ một số trước tác của những nhà kinh điển. Bằng chứng là tôi cũng đã tìm được một bản dịch trong tình trạng tương tự- một tiểu luận vô cùng hay của Roland Barthes - nhà phê bình kiêm triết gia người Pháp theo chủ nghĩa cấu trúc có tựa đề: “Độ không của việc viết”. Sau này, tôi có được đọc một bản dịch khác của nhà văn Nguyên Ngọc, với tựa đề khác một chút xíu: “Độ không của lối viết”. Bản dịch này rất thâm ảo, nhưng tôi không thích bằng bản của Phan Ngọc, vốn gây ấn tượng mạnh với tôi bởi văn phong vừa bảng lảng, mơ hồ vừa khốc liệt, mạnh mẽ khi ông chuyển ngữ một tác phẩm rất khó - mang tính tư biện cao của Roland Barther - với rất nhiều quan điểm về sự phát triển của ngôn ngữ văn bản trên cơ sở những nguồn mạch lịch sử, văn hoá chảy qua tâm trạng thời đại với các tác giả cụ thể.

Để được đọc, thuở đó chúng tôi sẵn sàng hy sinh một phần học bổng của mình để mua dăm điếu thuốc đầu lọc cho bạn bè là chủ nhân của những thứ sách “hàng hiếm”, vận dụng tối đa trí thông minh và tính láu cá của học trò để lừa các thầy quản lý thư viện. Thậm chí, nếu không mua được thì xin, nếu không xin được thì “thuổng”. Nói một cách hình tượng, nếu hồi đó có phải ăn mày kiến thức thì lũ sinh viên chúng tôi cũng sẵn sàng xé quần xé áo, may túi ba gang mang đi mà đựng. Ờ, thì một nền văn hoá vĩ đại như Trung Hoa cũng còn phải nhờ vả ông cao tăng Đường Tam Tạng trèo đèo lội suối Tây du 14 năm đi xin kinh-nói trắng phớ ra là khất thực tri thức-cơ mà, có sao đâu?

Thêm nữa, càng đọc, càng tích luỹ được thêm kiến thức, chúng tôi càng thấy thiếu, càng thấy biển kiến thức quá là mênh mông, càng thấy những tượng đài như Nietszche, hay Kant, hay gần hơn như người thầy Phan Ngọc mà mình chưa được học ngày nào, quá xa vời. Và cho dù 100 gã sinh viên khoa Văn ngày ấy thì có đến 99 gã mắc bệnh vĩ cuồng - một căn bệnh đáng yêu của tuổi trẻ - chắc chắn cũng không có đứa nào dám tưởng tượng rằng có một khái niệm “ trọc phú kiến thức” trên đời này.

Nói một cách khác, người càng đọc nhiều, càng nạp thêm kiến thức thì càng thấy mình đọc chưa đủ, càng hiểu rõ hơn một sự thật : mình luôn và vẫn đang là một kẻ nghèo khổ về kiến thức. Ngay cả trong những bữa rượu say nhất, đại ngôn nhất -nhất quả đất, chiều nay anh em mình uống cạn- như câu thơ của một gã học trên sau “tăng ca “ cùng lớp với tôi, hoặc ngay cả khi tự vỗ ngực cho rằng, ngoài mấy gã khoa Văn Tổng hợp chúng ta, phần còn lại của thế giới không xứng để đối ẩm và đàm đạo, thì cũng không có gã vĩ cuồng nào cả gan gán ghép kiến thức với một từ ở phía hoàn toàn đối lập với nó: trọc phú.

Nếu hồi đó nghe được khái niệm này, hẳn đứa sinh viên nào trong chúng tôi cũng phải cảm thán kêu lên: lạy Chúa tôi- và lạy Phật Thích ca (tác giả của Kinh tăng chi bộ mà KOL đọc năm 19 tuổi). Nếu các vị cho Nietszche xuyên không trở lại, chúng con đoan ông sẽ ngơ ngác, thậm chí hoảng hồn khi tháng 9 năm 2022 bỗng hiện lên một KOL tự xưng đệ tử (nguỵ truyền chăng?) khoác cho ông một khái niệm nặng như hư vô bằng tuyên ngôn:“ Tôi may mắn học được một quan điểm từ Nietszche, đấy chính là việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành một loại trọc phú kiến thức chứ không khiến bạn thành người giỏi hơn”. Và nếu ông biết cái khái niệm “trọc phú kiến thức” huyền hoặc này được đệ tử tự xưng của ông chuyển nghĩa từ thuật ngữ “Bildungsphilister”, chắc ông đã không viết “Zarathustra đã nói như thế”, đơn giản vì “Hoàng Hối Hận đã nói như thế” trước đông đảo sinh viên trong lễ khai giảng của Đại học Fulbright Việt Nam.

Sở dĩ tôi tự đưa bản thân và bạn bè sinh viên ở nơi tôi học hơn 30 năm trước ra làm minh chứng cho câu chuyện này, vì nó là chuyện gần ngay trước mắt, còn những chuyện xa tận chân trời như ở tận nước Mỹ thì tôi không dám lạm bàn vì không đủ trải nghiệm để tự luận, tự biện như KOL thời đại tri thức số. Chỉ biết rằng, dẫu đọc chủ yếu để giải trí (có lẽ vì thời đó chưa có internet, đọc nhiều cũng chẳng dùng để câu like được), nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, những cuộc rong chơi qua sách vở đã giúp mình thu nhận- dù là theo kiểu lượm lặt- được rất nhiều kiến thức, nếu không nói là đa phần kiến thức trong đời mình. Nói cách khác, Nietzsche và Kim Dung, thông qua “Zarathustra đã nói như thế” và “Tiếu ngạo giang hồ”- theo những cách rất khác nhau- đã chuyển giao cho tôi rất nhiều điều, cả về quan điểm sống, về thế giới xung quanh tôi, và quan trọng hơn là việc biết tư duy để khác với một cây sậy đơn thuần ( Pascal chả nói: “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết tư duy” là gì?).

Còn để giỏi hơn ư? Khái niệm giỏi rất rộng và mơ hồ, nên tôi mạnh dạn khu biệt lại theo nghĩa mà tôi hiểu: người giỏi là người có kiến thức hiểu biết (bao gồm cả tri thức, kỹ năng, tầm nhìn, trải nghiệm ) sâu và rộng hơn người khác về tổng thể hoặc về một lĩnh vực. Cá nhân tôi cho rằng, trước hết tôi phải hiểu biết rồi tôi mới giỏi được. Kể cả những điều tôi trải nghiệm qua cuộc sống (cụ thể là nghề nghiệp mà tôi đã theo đuổi nửa đời vì mưu sinh), đôi khi cũng nhờ đọc những cuốn sách của người đi trước- những bậc thầy trong nghề - đã lý giải, phân tích, khái quát hoá thành kiến thức để chuyển giao cho người sau, mà tôi sáng tỏ ra nhiều điều, thoát ra khỏi những khoảnh khắc, đôi khi là cả những giai đoạn vô minh và lạc hướng, bế tắc khi tìm lối đi mới trong suốt mấy chục năm hành nghề chữ nghĩa.

Đấy là đối với một kẻ lười biếng, ham chơi, thích đủ thứ nên chả có thời gian nhiều để đọc như tôi. Tôi đọc như một cuộc rong chơi hứng thú theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, do vậy chưa bao giờ dám nhận mình là người giàu có kiến thức, hoặc ngắn gọi hơn, là TRÍ THỨC, theo nghĩa viết hoa. Nhưng trong bạn bè cùng lớp Đại học của tôi, từ này có thể dùng ít nhất cho 2 người. Và để được bạn bè cùng lớp thừa nhận, đương nhiên họ phải là người GIỎI trong số chúng tôi.

Khoá sinh viên Tổng hợp Văn K30 có 3 lớp Văn-Ngữ -Hán, nhưng chỉ có 24 người. Ngoài tôi là hạng kém cỏi và lười biếng, hầu hết còn lại đều là những người giỏi giang vì chịu đọc, nghiêm túc với việc đọc. Nhiều người trở thành danh sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Còn đứng đầu hoặc làm cấp phó cơ quan báo chí quan trọng và chính thống (không phải như cơ quan báo chí tuy có lượng bạn đọc kha khá nhưng chỉ mang tính chất hội hè mà tôi đang công tác) thì có thể “lấy đấu mà đong”. Tôi chỉ xin lấy 2 người làm dẫn chứng cho nhận định của mình.

Người thứ nhất là một danh sư. Tôi nói vậy không quá, bởi anh đã từng đứng đầu một cơ sở giáo dục Đại học lớn nhất nước, và giờ được giao trách nhiệm đứng đầu cả ngành. Có thể gọi anh là một bậc túc nho hiếm hoi ở lứa tuổi ngoại ngũ thập (nếu không kể các vị thầy đáng kính của chúng tôi, giờ đã cao niên), nhưng anh cũng là người từng thụ giáo tại Harvard ở bậc học sau tiến sĩ. Từng học cùng và từng cùng được giữ ở lại trường với anh để giảng dạy, tôi là người biết rằng ngoài sức đọc kinh khủng, anh là người có ý thức đọc nghiêm túc những vấn đề trong lĩnh vực mà anh đang nghiên cứu.

Sau khi tôi “mất dạy”, bỏ trường đi làm báo kể từ 1994, sự đọc của tôi càng mai một thêm và khoảng cách giữa chúng tôi về kiến thức, về công việc ngày càng xa. Đó là một minh chứng cụ thể cho việc đọc càng nhiều bạn sẽ càng giàu có hơn về kiến thức, và đương nhiên sẽ khiến bạn thành người giỏi hơn. Dĩ nhiên, đọc không phải là tất cả, nhưng nó sẽ là một hành vi kiểu như đốt đuốc để tìm điều hay lẽ phải, thắp sáng cho con đường chúng ta lựa chọn để dấn thân. So sánh một cách khập khiễng, ngay từ thời đi học, bề rộng của kiểu đọc cưỡi ngựa xem hoa mà những gã ham chơi như tôi có được chỉ đủ để xuất hiện một gã nửa văn nửa báo, đáo qua một chút “sư”, trong khi đó chiều sâu của việc đọc khiến bạn cùng lớp tôi trở thành một học giả uyên thâm và một nhà quản lý được đánh giá cao.

Người thứ 2 là một dị nhân, đúng hơn là một kỳ nhân Tổng hợp Văn. Anh vào khoa Văn năm 1983, khóa 28, sau đó học cùng lớp tôi, khóa 30, chỉ vì tự dưng nổi hứng xin các thầy cho về Côn Sơn “ di dưỡng tinh thần” 2 năm. Anh trán to, cực thông minh, mê triết học đến điên cuồng và có trí nhớ phi thường.Thậm chí hồi đó đám sinh viên năm dưới còn truyền nhau rằng, khi họ đọc thử bất cứ một câu nào trong Tư bản luận, anh có thể nói câu đó nằm ở trang bao nhiêu, tập mấy và bản in năm nào.

Là tín đồ của Nietzsche, anh có một câu nói nổi tiếng:”Với tao, Nietzsche chính là thượng đế, dù chính ông tuyên bố thượng đế đã chết”. Suốt 3 năm học cùng tôi, anh cùng một dị nhân khoa Văn khác đi học có 2 nửa buổi, thời gian còn lại để đọc sách, uống rượu và tranh luận về triết học, nhân sinh - những vấn đề gần ngay trước mắt, xa tận chân trời rồi thách nhau nôn đè lên … cặp phạm trù. Tôi ra trường và được giữ lại khoa để giảng dạy vài năm, anh vẫn loay hoay làm luận văn tốt nghiệp. Anh viết như điên, như thơ, như triết, chỉ duy nhất không như... luận. Nó khác biệt với khuôn mẫu và vượt ra khỏi lối tư duy trường ốc thông thường thời đó, đến mức đám sinh viên chúng tôi và thậm chí cả các thầy không ai hiểu anh viết gì và viết thế để làm gì?

Vì vậy, anh học chẵn 10 năm vẫn chưa tốt nghiệp. Nhớ lại buổi lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp lần thứ x đông nghẹt sinh viên khóa sau đến xem và giây phút anh hùng dũng đề nghị phản biện lại thầy phản biện, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó có Internet và mạng xã hội, anh đã là một KOL chất ngất trên đỉnh triệu like rồi.

30 năm sau ngày ra trường, khi tôi và nhiều bạn bè đuối sức chạy dọc đường số phận, lạc lối trong những ngã rẽ ngẫu nhiên thì anh vẫn như đang lang thang đi trong mùa mây trắng của thập niên 80 thế kỷ trước, với sức uống và sức đọc phi thường như nhau cho đến lúc rời xa cõi tạm. Nhớ về anh, cả một thế hệ khoa Văn đều vẫn trân trọng sự lựa chọn của anh, một lựa chọn cực đoan và mang tính cá nhân tuyệt đối, theo đuổi kiến thức bằng một niềm đam mê tột cùng của cả đời mình: đọc sách, dù không làm gì cả. Thế hệ chúng tôi, kể cả những người thành đạt nhất đều luôn coi anh là một người rất giỏi, dù tốt nghiệp xong là anh về quê, cất thật sâu vào trong rương tấm bằng cử nhân khoa Văn.

Thỉnh thoảng, khi đọc lại vài thứ, tôi vẫn nhớ về những dòng đã viết về anh vào khoảng 10 năm trước : “5 năm rồi không gặp, đến bây giờ, chắc gã vẫn ngất ngưởng trong cõi riêng của gã…Với gã, mình có chút hơi ngưỡng mộ và ghen tị. Ở cái tuổi gần ngũ thập, chạm ngưỡng tri thiên mệnh và không còn vô minh, đôi lúc mình nhận thấy chính bản thân và một số bạn bè khác mới thực sự là vong thân, trôi nổi trong đời phàm tục, làm những điều mình bắt buộc phải làm chứ không phải điều mình thích. Ở điểm này, gã hơn bạn bè cùng lứa nhiều lắm.

Đôi khi, mình vẫn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn, rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì , chỉ làm mỗi... thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự. Mà thế sự thì nhiêu khê và mông lung lắm. “Thế sự du du nại lão hà” (Đặng Dung). Bạn bè khóa 30 đa phần đi làm báo, một số ở lại trường làm thầy, riêng gã không làm gì cả. Thế có khi lại là lựa chọn đúng. Thà không làm gì còn hơn là làm việc bắt buộc phải làm, khổ ải không chịu nổi. Nhớ về gã, mình lại tự hỏi, hơn 20 năm trước bỏ trường đi làm báo (một nghề... giết văn), rồi bỏ bút đi làm quản lý, là đúng hay sai đây? Nhưng đúng hay sai thì cũng để làm gì ?”.

Cảm khái và kể về hai người bạn cũ như vậy cũng chỉ để nói rằng, dù đọc với nhu cầu gì, mục đích gì và đọc gì thì bản thân hành vi đọc-một cách tự nhiên- cũng giúp mỗi người tích luỹ, thậm chí lượm lặt được nhiều thứ giá trị trong kho kiến thức cá nhân.

Kiến thức thu nạp được qua việc đọc, xem, nghe (gọi ngắn gọn là đọc) là những tri thức xuất hiện theo dạng được giải thích và mã hóa theo hệ thống, dễ chuyển giao (chữ viết,ngôn ngữ có lời hoặc không lời trên sách báo, phim ảnh, media …). Những người chỉ thu nạp kiến thức theo cách này được coi là những người theo chủ nghĩa kinh viện, có kiến thức sách vở, xu hướng xa rời thực tiễn. Trong khi đó, có những người tích lũy kiến thức bằng những tri thức lấy được từ các trải nghiệm thực tế mang tính cá nhân, khó mã hóa và chuyển giao như: kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng và đôi khi là cả đức tin …Họ được coi là những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

Dĩ nhiên, nếu dung nạp được cả hai cách là tốt nhất. Nhưng nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, sở trường, tính cách của từng người. Cách đặt vấn đề cho rằng kiến thức kinh viện là “ tri thức vay mượn” luôn cần phải được trải nghiệm, tự phản biện, tự luận mới trở thành “tri thức tự thân” hoặc “tri thức nguyên bản” là kiểu lập luận nguỵ biện, là một góc nhìn rất cực đoan. Trong biển kiến thức mà chúng ta tiếp nhận qua hành vi đọc, mỗi người trong đời liệu có bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu thời gian để mà trải nghiệm, chiêm nghiệm phần nhỏ trong đó?

Tri thức được những người đi trước, những người chuyên nghiệp, những trí tuệ lớn chuyển giao qua hệ thống mã hoá- mà sách và việc đọc sách là biểu hiện rõ nhất- nếu được tiếp nhận một cách trân trọng và nghiêm túc, hiểu thấu đáo và đến nơi đến chốn thì đó cũng là tri thức tự thân, tuyệt nhiên không phải tri thức vay mượn. Điều này được minh chứng qua quá trình phát triển hàng ngàn năm qua của văn minh nhân loại.

Phát ngôn cực đoan và choang choang kiểu: “ tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận”, thực ra là cách diễn đạt khá thô thiển việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa kinh nghiệm. Còn dĩ nhiên nếu những tri thức mà chúng ta tiếp nhận qua sách vở được “thực chiến” bằng trải nghiệm để mà chiêm nghiệm tự biện, tự luận thì còn gì bằng. Nhưng nếu “thực chiến” theo cách nói ‘trên trời” như kiểu: “Kể cả bạn có xem hết Michael Moore, Adam McKay và đọc hết cả Noam Chomsky, bạn chưa biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ đâu. Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008. Đó thường là cách mà tri thức tự thân hình thành…”, sẽ đẩy người nghe là sinh viên đến một sự hoang mang bất định, vì bản thân nguời nói cũng vô phương thực chiến như vậy. Thậm chí phóng tầm mắt khắp cõi trời Nam cũng khó có chủ ngân hàng hay doanh nhân bất động sản nào thực hiện được “cách” mà tri thức tự thân hình thành theo lời của diễn giả Hoàng Hối Hận khuyên sinh viên.

Tôi đã thấy nhiều người phản biện, thậm chí phê phán gay gắt cả chủ nghĩa kinh viện và chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai đủ hoang tưởng để phỉ báng những người xung quanh, trong đó có bạn bè chỉ vì họ đọc nhiều bằng một khái niệm vô nghĩa : “trọc phú kiến thức” và một tuyên ngôn thoạt nghe thì có vẻ có quan điểm khác biệt, nhưng thật ra là vô cùng độc hại đối với giới trẻ, nhất là sinh viên : “việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành một loại trọc phú kiến thức, chứ không kiến bạn thành người giỏi hơn”.

Đến đây có thể có bạn sẽ bảo tôi rằng, một bài phát biểu của một nhà báo, một KOL mà thôi, kể cả ông có thấy sai hay nguỵ biện thì cũng có gì lớn lao đâu? Sao lại phải quan tâm nhiều thế? Người khác thì bảo, ừ thì đại ngôn, ừ thì cực đoan nhưng có sát thương ai đâu? có ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới đâu?

Vậy thì hãy tưởng tượng con bạn là một sinh viên đang ngồi dưới nghe bài phát biểu đó. Sáng hôm sau cậu bé đến gặp bạn và nói rằng: “Từ hôm nay, con sẽ không đọc nhiều như trước nữa. Anh Hoàng Hối Hận, một KOL nổi như cồn được đích thân chủ tịch trường mời đến nói chuyện , nói rằng con mà đọc nhiều sẽ trở thành trọc phú kiến thức mà không trở thành người giỏi hơn”. Bạn đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cậu bé nói tiếp : “Tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận. Con sẽ đọc Noam Chomsky, ông ấy là một nhà ngôn ngữ học, một nhà hoạt động chính trị, rồi sẽ bước lên…sẽ đi…à sẽ tìm cách nhìn thị trường bất động sản và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam để hiểu chuyện gì xảy ra ở Mỹ hơn một thập niên trước. KOL Hoàng Hối Hận nói thế.”

Bạn có thể coi đó là chuyện nhỏ. Nhưng nếu cậu sinh viên đó là con tôi thì tôi sẽ nghĩ cuộc nói chuyện đó là một cơn ác mộng.

Viết đến đây, tôi chợt băn khoăn : mình có “bi kịch” hoá vấn đề không? Không. Bi kịch đã thực sự xuất hiện ở ngay ngôi trường danh tiếng. Khi trường này vào Việt Nam, đã có nhiều kỳ vọng về sự thay đổi nhận thức trong giáo dục. Tôi tự hỏi, tại sao lại phải đưa ra hiệu triệu “phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn” đối với những sinh viên 17 tuổi trong ngày khai giảng? Đây là khai phóng hay phản giáo dục? Nhưng để bàn về chuyện này, gã lười biếng lại phải viết tiếp bài 3 hay sao?

Chợt nhớ, khi kỳ cạch gõ bài 1, vợ tôi nghi ngờ lắm. “Chat với em nào mà suốt mấy tiếng đồng hồ chưa buông điện thoại thế?”- nàng hỏi. Nghe hơi gió biết giàn thiên lý sắp đổ, tôi vội đưa iphone để trình báo. Đọc xong nàng cười rũ rượi rồi hỏi rằng: “Hoàng Hối Hận là cậu nào mà giỏi vậy? Giỏi đến mức để một lão lười biếng 54 tuổi đang đau mắt, đau chân, ôm đàn lên hồ mà không gảy, cứ nằm dài ôm điện thoại mà tự kỷ thế? Mà sao mồm thì thề không bao giờ tham gia thị phi trên facebook, chân lại xông pha vào trận bút à ?”. Vợ vừa dứt lời thì lại một cậu em nhắn messenger : “Thấy sự bất bằng tuốt gươm ra hả anh?”. Nghe mà khí uất công tâm, suýt ngã lăn ra như Chu Công Cẩn. Nghĩ thấy phục hậu sinh khả uý. Hoá ra, dù giải thích thế nào, thiên hạ vẫn nghĩ rằng mình đang phản biện bài của Hoàng. Đành học đòi kết thúc bài viết này theo lối trọc phú kiến thức của Hoàng, mượn câu khen lẫy lừng của nhân vật cũng tên là Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao mà bày tỏ nỗi lòng: “Tài thật. Tài đến thế là cùng. Tiên sư cái anh Tào Tháo…”

Hết