Monday 2 August 2021

Ngộ và ca từ trong âm nhạc/ kỹ niệm một thời dễ thương, khó quên

 

Ru ta ngậm ngùi, Quang Dũng

 

Ngộ thích ca từ của ns họ Trịnh

Do đó

Mùa corona, thư thả, mình tìm hiểu thêm đề tài này:

--

ĐN

Trich tài liệu:

vanvn.vn

Ca từ trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn - Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Với Trịnh Công Sơn, khát vọng tình yêu, khát vọng hoà bình vượt lên trên tất cả những thiên kiến chính trị hẹp hòi. Những khát vọng cháy bỏng ấy khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sống mãi với thời gian.

Có người cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn. Nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ anh đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của anh. Nhạc và thơ hoà quyện vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã và sẽ làm say mê hàng triệu triệu trái tim qua bao thế hệ. Trong đó phải nói phần ca từ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một số lượng khá lớn ca từ của Trịnh Công Sơn có thể tách ra trở thành những bài thơ hoàn chỉnh. Đã có người đề cập đến yếu tố siêu thực, sự mới lạ trong cách thể hiện, trong cách dùng từ, đặt câu… Ở đây, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu những đặc điểm về nhịp điệu, cách gieo vần và biện pháp tu từ trong phạm vi những ca khúc viết về tình yêu của Trịnh.

Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc chống chiến tranh vừa viết nhạc tình yêu để thể hiện khát vọng hoà bình và khát vọng tình cảm của mình. Trong số 600 ca khúc mà anh để lại có hơn 400 ca khúc là nhạc tình. Và nếu tách phần lời nó trở thành những bài thơ tình vào loại hay nhất hiện nay. Ca từ của Trịnh Công Sơn lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Anh viết lời một cách dễ dàng, tự nhiên “như lấy chữ từ trong túi ra” (cách nói của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Tôi cứ tưởng tượng Trịnh Công Sơn viết nhạc không khác gì Nguyễn Bính làm thơ. Đây là những tài năng thiên phú. Những người như thế, phong cách hình thành rất sớm và nó chi phối gần như suốt cả cuộc đời sáng tác của họ. Thực ra, số lượng từ mà Trịnh Công Sơn sử dụng không lớn và có một số  từ được anh dùng đi dùng lại khá nhiều lần như: tay, vai, môi, vạc, non cao, vực sâu, nắng, mưa, sóng, biển, buồn, đau, chim, mây, gầy, đi, về… Các nhà thơ thời nhà Đường (Trung Quốc) cũng như vậy, chỉ với một số lượng từ lặp đi lặp lại mà biến hoá khôn lường. Trịnh Công Sơn có những cách ghép từ rất mới lạ như: tuổi đá buồn, hạ trắng, con tim mù loà, chợt hồn xanh buốt… Kiểu ghép lạ lùng như thế  khá phổ biến trong ca từ Trịnh Công Sơn. Nhưng theo tôi, đó chỉ là một phần rất nhỏ làm nên phong cách của anh. Nét riêng, dễ nhận thấy nhất là nhịp điệu trong các ca từ của Trịnh. Nhịp điệu trong ca từ là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên nhạc điệu của ca khúc. Các nhạc sĩ tài năng đều có các kiểu ngắt nhịp riêng phù hợp với  nhịp điệu của cảm xúc. Trịnh Công Sơn cũng có rất nhiều kiểu ngắt nhịp. Ở bài Cát bụi chủ yếu là nhịp 3 – 4: Bao nhiêu năm – làm kiếp con người / Chợt một chiều – tóc trắng như vôi… Tạo nên nét nhạc trầm lắng, suy tư. Bài Tình nhớ ngắt theo nhịp 3 – 2: Một người về – đỉnh cao. Một người về – vực sâu… Tạo nên nét nhạc đứt đoạn như sự chia lìa. Nhưng kiểu ngắt nhịp 2 – 2 – 2 – 2… mới là kiểu ngắt nhịp phổ biến trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chính kiểu ngắt nhịp này góp phần làm nên nhạc điệu chủ đạo trong gần một nửa tình khúc của Trịnh. Chẳng hạn như ở bài Biển nhớ: Ngày mai – em đi – đồi núi – nghiêng nghiêng  – đợi chờ / Sỏi đá – trông em – từng giờ / Nghe buồn – nhịp chân – bơ vơ… Ở bài Diễm xưa : Mưa vẫn – mưa bay – trên hàng – lá nhỏ / Buổi chiều – ngồi ngóng – những chuyến – mưa qua... Ở bài Hạ trắng : Gọi nắng – trên vai – em gầy / Đường xa – áo bay… Bài Ở trọ : Con chim – ở đậu – cành tre / Con cá – ở trọ – trong khe – nước nguồn... Cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu của nhạc Trịnh một phần là do kiểu ngắt nhịp khá phổ biến  này.

Vần cũng là một yếu tố quan trọng của cả thơ lẫn nhạc. Trịnh Công Sơn gieo vần hết sức linh hoạt, sáng tạo. Nhạc Trịnh dễ nhớ, dễ hát một phần cũng do lối gieo vần của tác giả. Cũng như Nguyễn Bính, Trịnh gieo vần một cách hết sức tự nhiên, không hề gò ép. Trịnh Công Sơn có nhiều cách gieo vần, nhưng cách gieo vần được anh sử dụng nhiều nhất, góp phần làm nên nét riêng trong ca từ của anh là cách gieo vần “chân” (các từ hiệp vần  đều nằm cuối câu) và thường liền với nhau từng nhóm ba câu một vần (độc vận). Chẳng hạn như: … đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ / Sỏi đá trông em từng giờ / Nghe buồn nhịp chân bơ vơ… Cồn đá rêu phong rủ buồn / Đèn phố nghe mưa tủi hờn / Nghe ngoài trời giăng mưa luôn… (Biển nhớ); Gió heo may đã về / Chiều tím loang vỉa hè / Và gió hôn tóc thề... (Nhìn những mùa thu đi); Gọi nắng trên vai em gầy / Đường xa áo bay / Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướn say / Lối em đi về trời không có mây… (Hạ trắng); Màu nắng hay là màu mắt em / Mùa thu mưa bay cho tay mềm / Chiều nghiêng nghiêng bóng qua thềm...(Nắng thuỷ tinh);  Biển sóng – biển sóng – đừng xô nhau /  Ta xô – biển lại – sóng về đâu / Sóng bạc đầu – và núi – chìm sâu… (Sóng về đâu). Trịnh Công Sơn gieo vần dễ như “lấy từ trong túi ra”. Theo tôi, đây cũng là  năng khiếu bẩm sinh mà không phải bất cứ nhà thơ nào, nhạc sĩ nào cũng có được.

Một trong những yếu tố làm cho ca từ của Trịnh Công Sơn đẹp, giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa gây ấn tượng khó quên đối với người nghe là cách thức sử dụng các biện pháp tu từ. Có người đã tỉ mỉ nhặt ra hàng chục biện pháp tu từ mà Trịnh sử dụng, như: ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, so sánh, câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ,  phép đối xứng… nhưng biện pháp tu từ nào được Trịnh sử dụng nhiều nhất, làm nên nét riêng trong những ca khúc của Trịnh thì hầu như cho đến nay chưa ai đề cập đến. Nghe và đọc gần bốn trăm tình khúc của Trịnh Công Sơn, tôi nhận thấy biện pháp tu từ mà nhạc sĩ sử dụng nhiều nhất chính là biện pháp so sánh. Biện pháp này chiếm gần một phần ba số biện pháp tu tù được sử dụng trong những tình khúc của Trịnh. Nhạc sĩ có một số so sánh hết sức bất ngờ, gây ấn tượng mạnh. Chỉ có Trịnh mới so sánh: tình yêu như trái phá / con tim mù loà; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Buồn như giọt máu… Đối tượng được đưa ra so sánh chủ yếu là những hiện tượng thiên nhiên, gần gũi với đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như : Tình yêu như biển, biển rộng hai vai / Tình yêu như biển, biển hẹp tay người. Lạc lối... (Lặng lẽ nơi này). Đây là cách so sánh mà không phải ai cũng hiểu. Tình yêu như biển thì quá rõ nhưng vì sao biển rộng hai vai? Điều này làm cho ca từ của Trịnh có những “nét nhoè”, kích thích trí tò mò của người nghe. Nhưng cách so sánh hơi khó hiểu ấy không nhiều. Phần lớn Trịnh Công Sơn chọn cách so sánh mà bất cứ ai cũng hiểu. Chẳng hạn như: Bao nhiêu năm làm kiếp con người / Chợt một chiều tóc trắng như vôi… (Cát bụi); Một người về đỉnh cao / Một người về vực sâu / Để cuộc tình chìm mau / Như bóng chim cuối đèo... (Tình nhớ); Trời còn làm mây, mây trôi lang thang / Sợi tóc em buồn, trôi nhanh, trôi nhanh / như dòng nước hiền… Tuổi buồn như lá / gió mãi cuốn đi / quay tận cuối trời... (Tuổi đá buồn); Cuộc tình lên cao vút / như chim mỏi cánh rồi / như chim xa lìa bầy / như chim xa lìa trời / như chim bỏ đường bay... (Tình sầu). Người bình thường chỉ có thể so sánh “như chim mỏi cánh rồi” là hết, nhưng Trịnh Công Sơn có thể so sánh liên tục  mà lại hết sức dễ dàng như lấy “từ trong túi ra”. Muốn so sánh dễ dàng như vậy phải có óc liên tương phong phú và nhạy bén. Với Trịnh, thiên nhiên là người bạn thân thiết sẵn sàng trở thành chất liệu giúp nhạc sĩ thể hiện ý tưởng, tình cảm của mình. Thiên nhiên không chỉ trở thành đối tượng để so sánh mà  còn biến thành hình ảnh ẩn dụ, nhân hoá trong những tình khúc của Trịnh. Nghe nhạc Trịnh,  ta bắt gặp rất nhiều các hình ảnh: Con chim ở đậu, con cá ở trọ; chợt buồn trong mắt nai; đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ; sỏi đá trông em từng giờ; cồn đá rêu phong rủ buồn; đèn phố nghe mưa tủi hờn; làm sao em biết bia đá không đau; ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau; gọi em cho nắng chết trên sông dài... Thực ra thì Trịnh Công Sơn cũng học cách nói của tiền nhân nhưng anh đã biến thành cách nói riêng của mình mà không ai có thể bắt chước được. Thiên nhiên đã hoà trộn vào hồn, vào máu thịt của Trịnh. Rất nhiều lần nhạc sĩ hoá thân vào gió, mây, trời, biển, sông, núi… như: Trời còn làm mây, mây trôi lang thang; Và gió hôn tóc thề… Trong nhiều ca khúc của Trịnh, người tình cũng được thiên nhiên hoá: màu nắng hay là màu mắt em; đoá hoa hồng vùi quên trên tay; chợt buồn trong mắt nai; tình gần như khói mây; nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa... Tất cả đó làm cho nhạc Trịnh không giống ai: đơn giản mà không đơn điệu, quen thuộc mà vẫn mới lạ, triết lý mà rất tình cảm, bình dị mà vô cùng sâu sắc…

Nói tình khúc của Trịnh Công Sơn, nếu tách ra phần lời trở thành những bài thơ tình hay nhất hiện nay, ngoài cái độc đáo về hình thức còn  gắn liền với những giá trị về nội dung. Khát vọng tình cảm thì ở người nào thời nào mà chẳng có. Tình yêu lứa đôi là nhu cầu không thể thiếu được của con người. Đây là đề tài vĩnh cửu và nguồn cảm hứng vô tận của văn nghệ sĩ trên toàn thế giới, ở mọi thời đại. Nó trở thành tiếng nói chung của toàn nhân loại (cũng như khát vọng hoà bình đâu chỉ bó hẹp trong một dân tộc, một quốc gia hay một giai đoạn lịch sử nào). Những ai đã yêu và nếm trái đắng của tình yêu mà không đồng cảm với những ca từ sau đây của Trịnh Công Sơn: Tình yêu như trái phá con tim mù loà; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu… (Tình sầu). Nghĩ đến ngày chia tay người mình yêu, ai không thổn thức cùng nhạc sĩ : Ngày mai em đi / thành phố mắt đêm đèn vàng / Nửa bóng xuân qua ngập ngừng / Nghe trời gió lộng mà thương…(Biển nhớ). Ai rơi vào tình thế cô đơn  mà không tìm thấy tâm trạng của mình trong những những câu: Buồn như giọt máu / Lặng lẽ nơi này / Trời cao, đất rộng / Một mình tôi đi / Đời như vô tận / Một mình tôi về  / với tôi… Ai khi đã về già mà không có những giây phút giật mình: Bao nhiêu năm làm kiếp con người / Chợt một chiều tóc trắng như vôi / Lá úa trên cao rụng đầy / Cho trăm năm vào chết một ngày... (Cát bụi).

Với Trịnh Công Sơn, khát vọng tình yêu, khát vọng hoà bình vượt lên trên tất cả những thiên kiến chính trị hẹp hòi. Những khát vọng cháy bỏng ấy khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sống mãi với thời gian.

MAI VĂN HOAN

--

amnhac.fm

Những kết hợp bất thường trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp

PGS.TS. Trần Kim Phượng
2011

Năm nay là kỉ niệm 10 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với "cát bụi". Bao năm qua, ở mọi miền trên đất nước Việt Nam, người ta vẫn xao xuyến khi nhắc đến tên ông, say sưa hát những nhạc phẩm của ông và mê mải viết về ông từ nhiều góc nhìn của văn học, văn hóa, ngôn ngữ, triết học, âm nhạc, đời sống, tôn giáo… Hình như ở bất kì lĩnh vực nào, người ta cũng có thể dễ dàng lấy ông làm đề tài nghiên cứu. Theo dòng chảy mãnh liệt đó, chúng tôi thử liều lĩnh "đọc" những ca khúc của ông dưới góc độ ngữ pháp, trước hết, để thỏa mãn những khao khát của chính mình, sau nữa hi vọng góp một tiếng nói làm sáng rõ hơn những tuyệt phẩm mà ông - kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận - đã để lại cho nhân thế.

Người ta đương nhiên thừa nhận Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, bởi ông đang sở hữu một kho tàng âm nhạc khổng lồ - hơn 500 ca khúc. Người ta còn gọi ông là một nhà thơ, bởi ca khúc của ông thấm đẫm chất thơ và đầy vần điệu. Người ta cũng phải công nhận ông là một triết gia bởi ca từ của ông mang đầy màu sắc triết lý về cõi đời, về nhân thế… Còn chúng tôi, chúng tôi cho rằng ông là một phù thủy về ngôn ngữ. Những độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của ông không ai bắt chước được, không ai làm giả được (Lê Hữu). Nó khiến người ta ngỡ ngàng, hạnh phúc; rồi trăn trở, âu lo; rồi thảnh thơi, siêu thoát… Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về những khác lạ của ông trong việc sử dụng các kết hợp ngữ pháp (từ cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ cho đến đơn vị câu).

1. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc cụm danh từ trong ca từ Trịnh Công Sơn

Các cụm danh từ xuất hiện trong ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này không phải lúc nào cũng theo quy chuẩn thông thường. Những nét độc đáo và những tầng nghĩa mới được nảy sinh từ việc đảo trật tự các thành tố, dùng danh từ đơn vị mang tính chất “lạ” hóa, hoặc dùng các định ngữ bất thường.

1.1. Đảo trật tự các thành tố trong cụm từ

Cấu trúc một cụm danh từ thông thường theo quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn, gồm 7 thành tố, được sắp xếp như sau:

Tất cả
-4

những
-3

cái
-2

con
-1

mèo
0

đen
+1

ấy
+2

Chỉ tổng lượng (đại từ)

Chỉ lượng (phụ từ, số từ)

Chỉ xuất

Chỉ loại
(danh từ đơn vị)

Trung tâm (Danh từ sự vật)

Từ miêu tả, hạn định

Chỉ định (đại từ)

Tuy nhiên, trong ca từ của Trịnh Công Sơn, có không ít trường hợp trật tự các thành tố bị thay đổi. Đôi khi, việc đảo trật tự khiến ta rất khó minh định ranh giới giữa cụm từ và câu. Dưới đây là một vài thí dụ:

Trật tự của Trịnh Công Sơn          

Trật tự thông thường

Xuất xứ (Tên bài hát)

Sen hồng một nụ

Một nụ sen hồng

Đóa hoa vô thường

Quỳnh hương một đóa

Một đóa quỳnh hương

Chuyện đóa quỳnh hương

Hồng má môi em

Má môi em hồng

Đoản khúc thu Hà Nội

Cọng buồn cỏ khô

Cọng cỏ khô buồn

Rừng xưa đã khép

Mùa xanh lá

Mùa lá xanh

Dấu chân địa đàng

Hoa vàng một đóa

Một đóa hoa vàng

Hoa vàng mấy độ

Hoa vàng mấy độ

Mấy độ hoa vàng

Hoa vàng mấy độ

Tóc xanh mấy mùa

Mấy mùa tóc xanh

Phôi pha

Tất nhiên, trước hết, việc đảo trật tự từ ngữ phụ thuộc vào giai điệu và nốt nhạc mà từ ngữ đó phải chuyển tải, nhưng đồng thời xét ở lĩnh vực ngôn ngữ, việc đảo trật tự theo kiểu danh từ sự vật đứng trước danh từ đơn vị và số từ hoặc lượng từ là để nhấn mạnh danh từ sự vật. Có trường hợp, nhạc sĩ lại đảo định tố ở vị trí +1 lên trước danh từ trung tâm: Cọng buồn cỏ khô. Cọng buồn ngay lập tức trở thành một kết hợp độc đáo, bởi người ta thường chỉ nói nỗi buồn, hoặc cùng lắm là sợi buồn (Sợi buồn con nhện giăng mau - Huy Cận). Kết hợp cọng buồn biến danh từ trừu tượng nỗi buồn thành một thực thể có thể nắm bắt được, đếm được. Nói cách khác, nỗi buồn đã hiện hình và mang cảm giác mong manh, vấn vương, phôi phai, lạc loài.

1.2. Dùng danh từ đơn vị mang tính chất “lạ hóa”

Trong hệ thống các danh từ đơn vị mà Trịnh Công Sơn sử dụng, chúng tôi nhận thấy ông rất hay dùng từ vùng và từ phiến:

- Tay măng trôi trên vùng tóc dài (Còn tuổi nào cho em)

- Vùng tương lai chợt xa xôi (Gọi tên bốn mùa)

- Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng (Dấu chân địa đàng)

- Tôi xin năm ngón tay em thiên thần trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi (Lời buồn thánh)

- Phiến sầu là tháng ngày (Lời của dòng sông)

- Từng phiến mây hồng / từng phiến băng dài (Tuổi đá buồn)

- Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm (Ru em từng ngón xuân nồng)

Nếu so với khoảng, lát, miếng,... thì vùngphiến là những không gian vừa xác định, vừa không định và có độ mở nhiều chiều, nhất là chiều sâu, độ dày nên dễ gợi liên tưởng đến chiều, độ của cảm xúc, tâm hồn. Trịnh Công Sơn thực sự đã "không gian hóa" tất cả những sự vật cụ thể cũng như trừu tượng. Ta có cảm giác sự vật, thực thể nào đối với ông cũng có thể khuôn lại được, sờ nắn được.

Người ta nói nỗi sầu thì ông nói giọt sầu (Còn tuổi nào cho em), làm ta liên tưởng tới Sầu đong càng lắc càng đầy của cụ Nguyễn Du; rồi bãi sầu (Lời của dòng sông), nghe đầy nhức nhối; và cả trái sầu (Như một vết thương), phiến sầu (Lời của dòng sông) nữa. Người ta nói bản tình ca thì ông nói ngọn tình ca (Góp lá mùa xuân), nghe đã thấy dâng đầy sức sống, cảm xúc. Người ta nói mái tóc thì ông nói dòng tóc (Ru em từng ngón xuân nồng), làm ta cảm thấy ngay được độ miên man, mềm mại, vương vít của nó. Người ta nói chuyến xe, chuyến đò thì ông nói chuyến mưa (Diễm xưa); đúng là một tâm trạng đợi chờ khắc khoải, chờ mưa như nó vốn đến và đi theo chuyến, tức là theo luật lệ nhất định. Rồi người ta nói chân mây hay cuối ngày thì ông nói chân ngày (Cỏ xót xa đưa), gợi bước đi thời gian trong những ngẫm ngợi xót xa. Người ta nói ngón tay hay màn sương, búp xuân hồng thì ông nói ngón sương mù (Gọi tên bốn mùa), ngón xuân nồng (Ru em từng ngón xuân nồng), cho những không gian, âm thanh, cảm xúc hiện hình, trinh nguyên, nuột nà, thánh thiện. Người ta nói sự hoang vu thì ông nói nhánh hoang vu (Cỏ xót xa đưa), nhánh vốn là danh từ đơn vị thường đi với cỏ, nỗi cô đơn được định hình đầy mong manh… Người ta nói đôi mắt thì ông nói vườn mắt (Nắng thủy tinh), làm ta thấy như mình đang lạc vào một không gian chan chứa nắng, trong veo, đong đầy cặp mắt người tình.

Những khác lạ ấy làm nên một Trịnh Công Sơn hết sức tinh tế trong cảm nhận sự vật và cũng đầy ưu tư, trăn trở với đời. Người thi sĩ trong âm nhạc này đã cảm nhận cuộc sống sinh động bằng tất cả các giác quan, bằng trực giác và linh giác. Về điểm này, Trịnh Công Sơn cũng giống như các thi sĩ có mẫn cảm nhạy bén, như Xuân Diệu chẳng hạn.

Như vậy, điểm độc đáo của Trịnh Công Sơn là ghép những danh từ sự vật cụ thể với danh từ đơn vị trừu tượng; và ngược lại, ông lại ghép danh từ sự vật trừu tượng với những danh từ đơn vị cụ thể. Chính điều này làm cho những sự vật hữu hình trở nên bớt trần trụi, lung linh hơn, huyền ảo hơn; còn những sự vật vô hình, trừu tượng thì lại được định hình, đến mức dường như chúng ta giơ tay ra là có thể nắm bắt được. Tất cả làm cho thế giới sự vật trong ca từ của ông trở thành một thế giới vừa thực vừa ảo.

1.3. Dùng các định ngữ bất thường

Cách dùng danh từ đơn vị của Trịnh đã độc đáo, cách ông đưa ra các định ngữ đi kèm với các danh từ của mình còn độc đáo hơn. Dễ dàng tìm thấy trong ca khúc của ông những định ngữ hoàn toàn bất ngờ với suy nghĩ của người Việt. Đặc biệt là những định ngữ gắn với tình, thôi thì đủ trọng lượng, đủ chiều kích: tình dài (Bay đi thầm lặng), tình đầy (Đời cho ta thế), tình vơi (Lặng lẽ nơi này), tình sâu (Xin trả nợ người)… Ông rất quan tâm đến sự đầy vơi, hư hao, cho nên mới có ngày tháng vơi (Phúc âm buồn), nắng đầy (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui) cơn đau dài (Mưa hồng), những chen đua lâu dài (Một lần thoáng có)… Hãy đọc thật chậm các kết hợp từ của Trịnh:

- Những dấu chân ngoan, hố tuyệt vọng (Có những con đường)

- Ngọn gió hư hao (Có một ngày như thế)

- Chiều bạc mệnh, phút cao giờ sâu (Đóa hoa vô thường)

- Cành thênh thang, cành bão bùng (Gọi tên bốn mùa)

- Ngày yêu dấu, mây vô danh (Hãy cứ vui như mọi ngày)

- Mây hoang đường (Hai mươi mùa nắng lạ)

- Nắng vô thường / Chút hương nhân từ (Mưa mùa hạ)

- Hạnh phúc ngu ngơ (Ngày nay không còn bé)

- Màu lá thanh xuân, ngày tháng hoang vu (Người về bỗng nhớ)

- Màu sương thương nhớ (Nhớ mùa thu Hà Nội)

- Đá ngây ngô (Rồi như đá ngây ngô)

Vậy là với Trịnh Công Sơn, những sự vật vốn vô tri vô giác bỗng mang tình cảm, tâm trạng con người. Cho nên ta mới gặp phố hoang mang, nhịp chân bơ vơ, cát bụi mệt nhoài… Đến với Trịnh, ta còn nghe thấy lời tà dương, lời mộ địa, lời bể sông (Một cõi đi về), như là vật gì trên đời này cũng có thể cất lên tiếng nói; Từng lời bể sông là lời mộ địa chính là tiếng hấp hối của một ngày. Danh từ thời gian tháng, ngày thì hay gắn với các tính từ hoang vu, âm u… bởi cảm giác cô đơn lúc nào cũng bủa vây Trịnh. Con người Trịnh luôn sống với thiên nhiên, hòa nhập với nhiên nhiên, coi đó như người bạn, như người tình nên sỏi, đá, nắng, phố, cát bụi… cũng nhuốm đầy tâm trạng. Những hình ảnh này xuất hiện dày đặc trong ca từ của người nhạc sĩ lãng du cũng là bởi trong tiềm thức của ông luôn chịu sự ảnh hưởng của triết lí tôn giáo: vũ trụ nguyên sơ, vạn vật hữu tình. Bàn tay xanh xao thì nhiều người nói nhưng bàn tay đói (Cuối cùng cho một tình yêu) thì thật lạ. Nắng vàng mong manh chúng ta cũng đã từng nghe nhưng nắng vàng nghèo hay nắng vàng lạc trên lối đi (Em còn nhớ hay em đã quên) thì chỉ có ở Trịnh mà thôi. Có cái gì man mác buồn trong cách nhìn sự vật ở Trịnh. Đúng là ông chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng - khoẻ khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo. Nhưng những thứ mà người trần coi là buồn đau thì ông lại nhìn một cách lạc quan, cho nên mới có vết thương hồn nhiên (Tưởng rằng đã quên), trái sầu rực rỡ (Như một vết thương), niềm đau ngọt ngào (Tình xót xa vừa)… Với con mắt trần gian thì các kết hợp ấy thật ngược đời. Song với Trịnh, cảm xúc, tinh thần này có được ở ông bởi ý niệm siêu thoát ảnh hưởng từ tư tưởng tôn giáo. Nhìn xa hơn, những cặp đối lập luôn luôn xuất hiện trong tư tưởng Trịnh, như ông vẫn xem cuộc đời nhị nguyên này vốn bao gồm những cặp phạm trù đối lập nhau, khó dung nạp song cũng khó phân ly. Ông ôm tất cả và không bao giờ tìm cách chia tách chúng. Cho nên ca từ của ông mới tràn ngập các kết hợp sống - chết, nhật - nguyệt, đêm - ngày, buồn - vui, sum họp - chia phôi, khổ đau - hạnh phúc, hay niềm đau - ngọt ngào…

2. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc cụm động từ

Trong cấu trúc cụm động từ của Trịnh, những bổ ngữ xuất hiện cũng đầy khác lạ, đặc biệt là các bổ ngữ đối tượng. Người ta tìm anh, tình em thì Trịnh đi tìm tình (Bống không là bống). Người ta tặng hoa, tặng quà thì Trịnh lại tặng một phố chờ (Đoản khúc thu Hà Nội). Người ta phơi áo thì Trịnh phơi cuộc tình (Ru ta ngậm ngùi), thậm chí là phơi tình cho nắng khô mau / treo tình trên chiếc đinh không (Tình xót xa vừa). Người ta chọn rau, chọn quả thì Trịnh chọn một niềm vui, chọn ngồi thật yên, chọn nắng đầy (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Người ta nhặt lá, nhặt thóc thì Trịnh lại nhặt gió trời (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Người ta đi trong mưa thì Trịnh đi trong chuyện cũ ngày xưa/ đi trong hạnh phúc quê nhà (Hai mươi mùa nắng lạ). Người ta chở hàng, chở khách thì Trịnh chở ngày hấp hối (Vàng phai trước ngõ). Người ta ôm người yêu thì Trịnh ôm mịt mùng (Tình xót xa vừa). Người ta nghiêng mình thì Trịnh lại nghiêng sầu (Mưa hồng), rồi nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình (Để gió cuốn đi)… Động từ đi có thể gắn với rất nhiều bổ ngữ chỉ không gian, song có lẽ chẳng ai nói đi quanh từng giọt nước mắt (Ru đời đã mất). Nghe đã thấy đời thật buồn! Bổ ngữ cách thức, bổ ngữ chỉ mục đích cũng thật đặc biệt, cho nên mới có yêu em thật thà (Hoa vàng mấy độ), gọi em cho nắng chết trên sông dài (Hạ trắng),

Đọc các cụm động từ của Trịnh Công Sơn, ta như lạc bước vào một công cuộc thể nghiệm ngôn ngữ Việt đầy lí thú. Mỗi một kết hợp ngắn gọn là một nội dung ngữ nghĩa hết sức dày dặn mà Trịnh muốn chuyển tải. Chẳng hạn kết hợp nghiêng sầu hay nghiêng đời ở trên, vẫn là dự cảm về một cuộc đời đầy bấp bênh, xuất phát từ tư tưởng nhà Phật: Cuộc đời này vốn là cõi tạm, con người dừng chân ghé chơi. Hoặc kết hợp của động từ nghe với những thứ không phải là thanh âm thông thường: nghe sầu lên trong nắng, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng (Nhìn những mùa thu đi), nghe tình đổi mùa (Những con mắt trần gian), thậm chí nghe cả im lặng thở dài (Tôi đã lắng nghe) và tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi (Cát bụi)… Ít có nghệ sĩ nào có thính lực kỳ lạ như Trịnh Công Sơn, ông nghe được âm thanh vô thanh và rỗng nghĩa trong bước đi của thời gian, nghe được sự chết dần của đời người, nghe được tiếng chuông gọi hồn đều đều nhẫn nại… Tất cả mọi thanh âm qua thính giác của Trịnh đều gắn với sự cô đơn tận cùng của một con người lúc nào cũng mang trong mình ý nghĩ sinh ra đã là một kẻ thua cuộc… Môtíp quen thuộc của Trịnh là gắn những động từ chỉ hoạt động thông thường với những bổ ngữ trừu tượng. Tất cả thống nhất trong cái nhìn sự vật luôn luôn động, luôn luôn biến đổi của ông.

3. Những bất thường trong cấu trúc cụm tính từ

3.1. Kết hợp so sánh

Vẫn rất xứng đáng là "kẻ du ca về tình yêu", Trịnh Công Sơn có những so sánh thật lạ với đối tượng tình: tình xa như trời, tình gần như khói mây, tình trầm như bóng cây, tình reo vui như nắng… rồi tình mềm trong tay (Tình sầu). Ngoài ra còn hàng loạt các kết hợp so sánh bất ngờ với các tính từ hết sức quen thuộc: xanh, trắng, buồn, mong manh, ngoan,…:

- Có những bạn bè xanh như người bệnh (Bay đi thầm lặng)

- Rồi một chiều tóc trắng như vôi (Cát bụi)

- Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này (Lặng lẽ nơi này)

- Thân mong manh như lau sậy hiền (Níu tay nghìn trùng)

- Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối (Thành phố mùa xuân)

- Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em (Như cánh vạc bay)...

Đứng ở góc độ phong cách học, tất cả những kết hợp nói trên đều thuộc phép so sánh tu từ. So sánh để làm rõ hơn đối tượng, song đồng thời cũng mang tới những đặc trưng mới cho đối tượng. Điều đáng quan tâm ở đây là Trịnh Công Sơn có những so sánh hết sức táo bạo, gây bất ngờ và tạo được những rung động mạnh cho xúc cảm thẩm mĩ ở người nghe.

Trịnh Công Sơn khá nhạy cảm với một số tính từ nhất định như: lênh đênh, tiều tụy, hư hao, thênh thang, bão bùng… Đặc biệt, ông rất hay sử dụng tính từ mong manh, (gió mong manh, cỏ lá mong manh, sống chết mong manh, tay gối mong manh, tình mong manh, thân mong manh…). Với Trịnh Công Sơn, cuộc này thật mà hư ảo. Theo Bửu Ý, dường như đây là một ám ảnh lớn trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của nhạc sĩ.

3.2. Sắc màu của Trịnh

Màu sắc của Trịnh cũng thật lạ, nó lại gắn với những sự vật mà người ta không ngờ tới.

Trước hết là màu hồng. Màu hồng nhạt, hồng đậm,... thì bình thường nhưng hồng vừa thì chưa ai nói. (Đấy là ta chưa bàn tới các kết hợp giấc ngủ vừa (Dấu chân địa đàng); tình xót xa vừa (Tình xót xa vừa). Màu hồng xuất hiện trong câu cũng thật đặc biệt: Em hồng một thuở xuân xanh; Mê man trời hồng vượt đồi lên non (Ra đồng giữa ngọ)…

Màu xanh lại càng lạ:

- Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa (Diễm xưa);

- Nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Tình xa);

- Thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai (Xin mặt trời ngủ yên)

- Xanh yếu làn da, xanh mướt hồng nhan (Góp lá mùa xuân)

- Tiếng hát xanh xao (Lời buồn thánh)

- Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ (Hoa xuân ca)

- Tuổi mười sáu xanh cho mọi người (Môi hồng đào)

Màu tím thì có: Chiều tím loang vỉa hè (Nhìn những mùa thu đi). Màu vàng là vàng phai (Vàng phai trước ngõ). Rồi xanh đi với hồng đến khó hiểu song đầy ám ảnh: Hai mươi giấc mộng xanh hồng quá (Hai mươi màu nắng lạ)…

Ngoài ra, một số từ ngữ đóng vai trò là bổ ngữ trong cụm tính từ của Trịnh Công Sơn cũng làm người nghe bất ngờ. Hình như ông chiêm nghiệm cuộc đời bằng quá nhiều những nhạy cảm: Tóc em dài đêm thần thoại (Gọi tên bốn mùa); Lá khô vì đợi chờ (Như cánh vạc bay)… Ông đã so sánh cái mướt dài, huyền diệu của tóc với đêm thần thoại. Ngoài ẩn dụ lá… đợi chờ, bổ ngữ nguyên nhân ở đây thật lạ với cách lý giải khôđợi chờ.

4. Sự chuyển hóa từ loại trong ca từ Trịnh Công Sơn

Sự chuyển hóa từ loại diễn ra trong tiếng Việt không phải hiếm và quá đặc biệt, nhưng khi nghe ca từ nhạc Trịnh, người ta vẫn cảm thấy ông đã phù phép cho những từ ngữ của mình. Một số danh từ được dùng như tính từ, chẳng hạn: Ôi tóc em dài đêm thần thoại (Gọi tên bốn mùa); hay Em đi biền biệt muôn trùng quá (Còn ai với ai). Và cũng không ít những tính từ lại được dùng như danh từ: Vàng phai sẽ cuốn đi mịt mù (Vàng phai trước ngõ); Và tôi đứng bên âu lo này (Này em có nhớ); Ta cười với âm u (Những con mắt trần gian); Đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng (Tình xót xa vừa); Bàn tay xôn xao đón ưu phiền (Nắng thủy tinh)…

Thậm chí tính từ chỉ màu sắc vốn không kết hợp với phụ từ mệnh lệnh đi nhé nhưng kết hợp này vẫn xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn: Hồng đi nhé xin hồng với nụ (Vàng phai trước ngõ). Đây là trường hợp tính từ được dùng như động từ. Cảm giác rằng ông đã hòa nhập tận cùng với thiên nhiên, nên có thể sai khiến, dụ dỗ cả một nụ hoa. Rồi có động từ được dùng như danh từ: Nghe những tàn phai (tên một bài hát). Như đã nói, bằng một thính lực kỳ lạ, ông đã nghe được bước đi của thời gian trong sự biến chuyển của tạo vật.

5. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc câu

5.1. Những cấu trúc dưới dạng định nghĩa

Xét từ góc độ ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà Từ điển học tinh tế, bởi ông đã đưa ra những định nghĩa mới, thú vị cho những sự vật quen thuộc:

- Con sông là thuyền, mây xa là buồm (Bốn mùa thay lá)

- Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du (Biết đâu nguồn cội)

- Tên em là vết thương khô (Khói trời mênh mông)

- Tôi thấy tôi là chút vết mực nhòe (Ngày nay không còn bé)

- Đời mình là những chuyến xe/ Đời mình là những đám đông/ Đời mình là những quán không/ Đời mình là con nước trôi (Nghe những tàn phai)

- Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em/ Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng (Ru đời đi nhé!)

Từ góc độ phong cách học, có thể xem đây là những so sánh tu từ. Trịnh Công Sơn đã đem đối chiếu, quy hệ những đối tượng thuộc các phạm trù quá cách biệt nhau để tạo nên những hiệu quả biểu đạt, tri nhận sự vật và xúc cảm thẩm mĩ hết sức sâu sắc, gợi nhiều liên tưởng phong phú nơi người nghe. Cho nên nhìn mưa ngoài trời, ông lại thấy đó là những giọt nước mắt của người tình, hình như nỗi sầu đang dâng đầy trong ông. Đi trong đêm lạnh mùa đông, ông tưởng tượng môi em là đốm lửa hồng, sửa ấm lòng người, xua tan băng giá. Với một người khát sống như Trịnh Công Sơn, ngồi nơi này, nhớ nơi kia, lúc nào cũng sợ không đủ thời giờ cho kiếp người, ngoảnh lại đã thấy đời xanh rêu, nên ông luôn luôn thích sự xê dịch, cho nên mới có Đời mình là những chuyến xe, đời mình là con nước trôi… Với quan niệm cuộc đời là một vấn nạn, bấp bênh và tình yêu thì mù lòa, Trịnh Công Sơn hay nói tới danh từ vết thương, và vì vậy mới có Tên em là vết thương khô,…

Không sao có thể diễn tả hết được những ý nghĩa mà Trịnh Công Sơn muốn khoác cho các sự vật, hiện tượng thông qua các định nghĩa của mình. Chỉ có thể nói rằng bởi cách nhìn cuộc đời của ông quá độc đáo, quá tinh tế nên những người đã yêu nhạc Trịnh thì bao giờ cũng yêu cả phần lời ca của ông.

5.2. Những quan hệ bất thường về nghĩa giữa chủ ngữ và vị ngữ

Quan hệ giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu tiếng Việt luôn là mối quan hệ ràng buộc, hai chiều. Thông thường, vị ngữ phải nêu những đặc trưng vốn có ở chủ ngữ, phù hợp với chủ ngữ. Song với Trịnh, vị ngữ luôn nêu những đặc trưng bất ngờ, tự ông gán cho sự vật. Do vậy mới có những lời ca kỳ diệu như ở dưới đây:

- Đêm chờ ánh sáng, mưa đòi cơn nắng. / Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà. (Bốn mùa thay lá)

- Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra. (Biết đâu nguồn cội)

- Mùa xuân quá vội, mười năm tắm gội, giật mình ôi chiếc lá thu phai. (Chiếc lá thu phai)

- Về bên núi đợi ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay. (Chiếc lá thu phai)

- Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ (Biển nhớ)

- Bờ vai như giấy mới sợ nghiêng hết tình tôi (Thương một người)

- Gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời (Này em có nhớ)

- Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi (Ru em từng ngón xuân nồng)

- Đám rong rêu xếp hàng. (Một ngày như mọi ngày)

- Xin mây xe thêm màu áo lụa. (Còn tuổi nào cho em)

- Một ngày như mọi ngày từng chiều lên hấp hối (Một ngày như mọi ngày)

- Bàn tay xôn xao đón ưu phiền (Nắng thủy tinh)

Phép nhân hóa là một biện pháp tu từ thường thấy trong ca từ nhạc Trịnh. Rất nhiều những sự vật vô tri, vô giác mang tâm trạng con người: cỏ lá biết buồn, biển biết nhớ, gió biết hát, đêm biết đợi chờ, mưa biết đòi cơn nắng, rong rêu biết xếp hàng… Bởi chính nhạc sĩ đã hóa thân vào những sự vật bình thường và tầm thường nhất. Dường như ông muốn trốn chạy khỏi cõi đời mà lúc nào ông cũng thấy chênh vênh, mất mát, bấp bênh. Song khi ông đã yêu thì mọi vật xung quanh ông cũng biết yêu. Đôi khi, trong Trịnh, dòng chảy tâm tư quá nhanh, quá ồ ạt đã khiến lời ca của ông bị dồn nén, các từ bị rút ngắn đến độ khó mà có thể hiểu trọn vẹn từng câu. Đành phải hiểu cảm xúc chung của cả bài. Như trong bài Có nghe đời nghiêng, cả bài hát giống như tâm sự của người ở lại khi tất cả bỗng dưng trống vắng: Ngày thu đông phố xưa nằm bệnh, đàn chim non réo bên vườn hoang, người ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng. Hoặc trong bài Chiếc lá thu phai có câu: Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay, Trịnh Công Sơn muốn chuyển tải những thông điệp: Cuộc đời thật ngắn ngủi, thật buồn; ngoảnh đi ngoảnh lại, ta đã già; hãy cố gắng để quên đi những ám ảnh về tuổi tác. Cũng phải là một con người trải nghiệm trên đường đời nhiều lắm thì mới có thể viết: Có con đường chở mưa nắng đi (Em còn nhớ hay em đã quên)… Ngôn từ của Trịnh đã kết tinh đến độ đơn khiết, cô đọng nhất.

5.3. Đảo trật tự cú pháp (đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ)

Hãy đọc những ca từ sau đây và sắp xếp lại theo trật tự của chúng ta - những người nhìn cuộc đời bằng con mắt trần gian:

- Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ (Một cõi đi về)-> Mùa xuân vừa tàn, rồi mùa hạ cũng tàn.

- Xôn xao con đường, xôn xao lá (Đoản khúc thu Hà Nội) -> Con đường xôn xao, lá cũng xôn xao.

- Hồng má môi em hồng sóng xa (Đoản khúc thu Hà Nội) -> Má môi em hồng, sóng xa hồng.

- Mệt quá đôi chân này/ Mệt quá thân ta này (Ngẫu nhiên) -> Đôi chân này mệt quá / Thân ta này mệt quá.

- Đừng phai nhé một tấm lòng son (Vườn xưa) -> Một tấm lòng son đừng phai nhé!

- Đã về trên sông những cánh bèo xanh (Khói trời mênh mông) -> Những cánh bèo xanh đã về trên sông.

- Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. (Để gió cuốn đi) -> Hãy yêu ngày tới dù kiếp người quá mệt …

Cách chúng ta đảo lại như vậy có thể làm ta dễ hiểu hơn, song hình như nó sẽ làm hỏng nhạc Trịnh.

Còn một kiểu sắp xếp nữa mà ta cũng thường gặp trong ca từ của Trịnh. Nó không phải là bất thường, mà là đặc biệt. Đó là việc Trịnh sử dụng kiểu câu đảo bổ ngữ lên trước làm đề ngữ. Cũng có khi thành phần phía trước được xem là trạng ngữ; tuy nhiên, trạng ngữ này lại quan hệ rất chặt với động từ trong câu. Câu thường kết thúc bằng một động từ, nghe khá đột ngột. Thí dụ:

- Vườn khuya đóa hoa nào mới nở / Đời ta có ai vừa qua / Rồi bên vết thương tôi quỳ. / Từ những phố kia tôi về. (Đêm thấy ta là thác đổ)

- Sáng cho em vòm lá me xanh. / Phố em qua gạch ngói quen tên (Em còn nhớ hay em đã quên)

- Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe. (Tôi đang lắng nghe)

- Về trong phố xưa tôi nằm (Lời thiên thu gọi)

- Tuổi buồn em mang đi trong hư vô (Tuổi đá buồn)

Thường thì ta sẽ nói: Đóa hoa nào mới nở trong vườn khuya/ Có ai vừa qua đời tôi/ Tôi quỳ bên vết thương./ Tôi về từ những phố kia./ Gạch ngói quen tên phố em qua./ Tôi đã lắng nghe im lặng của đêm./ Em mang tuổi buồn đi trong hư vô… Kiểu câu không kết thúc bằng thành phần bổ ngữ mà kết thúc bằng chính động từ trung tâm, như đã nói, luôn khiến người nghe có cảm giác đột ngột. Song chính điều đó lại làm nên sức hấp dẫn của nhạc Trịnh; để khi nghe nhạc Trịnh, người ta luôn cảm thấy thiếu, muốn kiếm tìm, muốn nghe mãi…

Còn có những kết hợp khó có thể sắp xếp lại theo thứ tự thông thường, cũng khó mà gọi đó là cụm từ hay là câu nữa. Chẳng hạn như: Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai hay Cuồng phong cánh mỏi hoặc Cỏ xót xa đưa… Điều này càng làm cho ta thấy nhạc sĩ nhìn sự vật, nhìn cuộc đời bằng con mắt khác với chúng ta. Lời ca của Trịnh, nói theo Bửu Ý, đã được đặc cách hóa thành Kinh. Kinh là những lời ước nguyện nhằm chuyển hóa thực tại. Kinh của Trịnh Công Sơn là do chính ông phát nguyện, dóng tiếng và gởi gắm trở lại cho chính mình.


Mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức-TPHCM)

Đọc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp, chúng tôi không dám nói nó có giúp ta nhiều không trong việc hiểu nhạc Trịnh. Song chúng tôi ghi nhận ở người nhạc sĩ tài hoa này một mẫn cảm ngôn ngữ tuyệt diệu. Bằng những kết hợp lạ lẫm, những so sánh bất ngờ, những sắp xếp độc đáo, thông qua một tri giác bén nhạy, nhiều tầng, đa chiều kích, và với một tâm hồn lãng mạn của một thi sĩ, Trịnh Công Sơn đã làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ Việt. Trịnh Công Sơn đã sống và đã yêu hết mình, dù cho ông yêu cuộc đời này bằng nỗi lòng của một tên tuyệt vọng. Mỗi ca từ ông để lại cho đời đều thấm đẫm giá trị nhân bản. Hãy sống và yêu đi, như ông đã từng viết: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ! (Mưa hồng)…

Trần Kim Phượng

TƯ LIỆU KHẢO SÁT:

Trịnh Công Sơn, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Âm nhạc, 1998.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Dương Viết Á, 2005, Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, NXB Viện Âm nhạc, HN.
2.Ban Mai, 2008, Trịnh Công Sơn – Vết chân dã tràng, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, HN.
3.Trần Kim Phượng - Phan Ngọc Ánh, 2011, Danh từ chỉ thời gian – mùa trong ca từ Trịnh Công Sơn; Ngôn ngữ và đời sống, số 4.
4.Nguồn Internet: http://tuanvannguyen.blogspot.com.

Nguồn: tạp chí Ngôn ngữ, số 10-2011

--

 

 

 

nhacxua.vn

Giải thích những ca từ khó hiểu và "bí hiểm" trong các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Nhắc đến âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những triết lý, sự đa tầng ý nghĩa của bài hát. Nhạc của ông thường đầy tính ẩn dụ, đôi khi là mông lung khó hiểu, khó nắm bắt được khi nghe một cách hời hợt. Thậm chí là nhiều người thích nghe nhạc Trịnh, nghe đi nghe lại hàng chục năm mà vẫn không hiểu ý nghĩa của 1 số bài hát. Vì có được sự đặc thù như vậy, nên dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thể sánh bằng các nhạc sĩ khác như Phạm Duy hay Văn Cao về tầm vóc, nhưng ông vẫn được người ta ưu ái đặt cho một dòng nhạc riêng mang tên là “nhạc Trịnh”.

Dù lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn có vẻ bí hiểm, khó hiểu, nhưng về nhạc thuật thì so với các nhạc sĩ lớn cùng thời, nhạc của Trịnh khá đơn giản, không có gì cách tân, nhưng nó lại vẫn hấp dẫn vì mang được “tiếng thở dài của thời đại”. Theo như lời của Phạm Duy, đó là “sự đơn giản của một thiên tài”, vì không phải ai cũng viết được loại nhạc đơn giản nhưng lại có thể đồng cảm được với tâm trạng của nhiều người đến như vậy.

Dù nhạc Trịnh bị coi là khó hiểu, nhưng nhiều người nói rằng họ thích nhạc Trịnh vì luôn thấy được mình ở trong đó, và đôi khi nghĩ rằng nhạc Trịnh đang viết cho chính hoàn cảnh của mình vậy. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – một người bạn thân của Trịnh Công Sơn – từng nói rằng nghe nhạc Trịnh không hiểu lắm, nhưng thấy có mình ở trong đó.

Điều này đã tạo nên sự đặc biệt của nhạc Trịnh. Bởi vì đôi khi âm nhạc không cần hiểu rõ cặn kẽ, mà chỉ cần cảm được, là được!

Ngay cả những người sâu sắc và từng trải nhất cũng không dám khẳng định là “mình hiểu hết ý nghĩa nhạc Trịnh”. Bài viết này không phải là để giải thích cặn kẽ, chi tiết những ca từ nhạc Trịnh, mà chỉ là những thông tin được gom nhặt trong quá trình tìm hiểu nhạc Trịnh. Hy vọng khi đọc qua bài viết này, người yêu nhạc Trịnh sẽ khám phá ra những điều thú vị…

1. Nghe Những Tàn Phai

Khởi đầu bài hát Nghe Những Tàn Phai là một câu hát khá quen thuộc:

Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe…

Có lẽ ai trong chúng ta, đôi khi ngồi ngẫm nghĩ lại đời mình, cũng đã thấy rằng đời mình như là những chuyến xe chuyên chở đầy tâm tư của cả một đời.


Click để nghe Thái Thanh hát Nghe Những Tàn Phai trước 1975

Toàn bài hát này là những lời than thở muộn phiền, nhưng có ít người hiểu được ý nghĩa thực sự của nó:

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những đám đông 
Người chia tay nhau cuối đường 
Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không. 

Có ai đang về giữa đêm khuya, 
rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ 
Vòng tay quen hơi băng giá, 
Nhớ một người tình nào cũ, 
Khóc lại một đời người quá ê chề. 

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những quán không 
Bàn in hơi bên ghế ngồi 
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người. 

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là con nước trôi, 
Đèn soi trên vai rã rời 
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy.

Nguyên bài là những lời lẽ có vẻ mông lung, như là không nhắc đến một điều gì cụ thể, giống như là tác giả đang nói về những chiêm nghiệm nào đó về cuộc đời?

Không phải vậy, thật ra bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về một đối tượng cụ thể: Nhân vật chính là một cô gái làng chơi. Điều đó được ca sĩ Khánh Ly thừa nhận, bà đã được Trịnh Công Sơn trực tiếp giải thích ý nghĩa của bài này khi tập cho bà hát.

Đó là một người kỹ nữ, một gái giang hồ đã về già và hết thời, với những bước chân trở về nhà trong đêm sau 1 ngày rã rời. Cô gái đôi khi thấy đời mình là những đám đông, những chuyến xe… rồi rốt cuộc chỉ là tiếng hư không, vắng bóng người trong 1 đời người đã quá ê chề.

Rốt cuộc, từ một câu hát trong bài hát về cô gái điê’m, giới trẻ biến thành một câu nói có vẻ rất ngầu: Cuộc đời là những chuyến đi…

2. Dấu Chân Địa Đàng

Bài hát Dấu Chân Địa Đàng, ban đầu có tên là Tiếng Hát Dạ Lan, được Trịnh Công Sơn viết trong thời gian ông dạy học ở B’Lao – Lâm Đồng. Trong bài này có hình ảnh ẩn dụ vô cùng khó hiểu như “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, “lời ca dạ lan”… 


Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

May quá, những hình ảnh đó sẽ được chính tay tác giả giải thích, nếu bạn đọc được cuốn Thư Tình Gửi Một Người (tổng hợp những bức thư tình ông Trịnh gửi cho Dao Ánh). Khi hiểu được những ca từ này, người nghe sẽ thấy bài hát sẽ trở nên hay hơn.

Loài sâu này chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).

Hình ảnh “dạ lan” cũng được nhắc tới trong bài này: “Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Dạ lan là gì?

Nhà cô gái 16 tuổi Dao Ánh ở Huế (cách nhà Trịnh Công Sơn ở Huế một cây cầu là cầu Phú Cam) trồng nhiều hoa dạ lan và loài hoa này không chỉ thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong nhiều bức thư tình tha thiết, da diết của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

Dĩ nhiên, “dạ lan” trong vùng kỷ niệm của Trịnh Công Sơn cũng như trong nhạc Trịnh, là hiện thân của vẻ đẹp và tình yêu thầm kín, thanh tao, thắm thiết của Dao Ánh, là biểu tượng, là hiện thân của cõi “địa đàng”, cõi “Thiên Thai”, cõi mơ ước hạnh phúc bất tuyệt muôn đời của nhân loại: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

3. Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời

Bài hát này, Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa “một dòng sông” và cho nó qua đời luôn. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Dòng sông sau khi qua đời thì nó sẽ trông như thế nào?

Trịnh Công Sơn giải thích: “Hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này…

Bên cạnh đó khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn.

Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông.

Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có bài có một dòng sông đã qua đời.

Mình nghĩ như thế này, khi ta đi qua một nơi trốn nào đó, tình cờ bạn đi qua một cái núi, bạn gặp người tình của bạn cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn”.

 

4. Cát Bụi

Trong bài Cát Bụi, nhạc sĩ họ Trịnh có cái câu này, chắc hẳn nhiều người nghe cho qua chứ không hiểu lắm ý nghĩa:

Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không haỵ


Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi

Bà Đặng Tuyết Mai (vợ cũ của ông Nguyễn Cao Kỳ) trong một dịp gặp gỡ văn nghệ đã được Trịnh Công Sơn giải thích và mô tả sự khai sinh và khai tử (như được ghi lại trong bài hát “Cát bụi”) ở trong các làng xã xa xôi ở miền quê Việt Nam là:

“Khi một đứa bé được sinh ra thì bố mẹ đứa trẻ báo cho làng xã biết. Người ta ghi tên đứa bé vào một cuốn sổ bằng viết mực… thế rồi khi đứa bé lớn lên sau lũy tre xanh, trưởng thành, già… nếu chết đi thì người nhà cũng báo cho làng xã biết; người ta cũng lấy cái bút gạch tên người chết trong cuốn sổ đinh này là xong một đời người.”

Chính vì vậy mà sau khi một cuộc đời được chấm dứt câu “Vết mực nào xóa bỏ không hay” là thật chứ không phải là chuyện “mông lung” như chúng ta vẫn nghĩ.

5. Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Đây là một bài hát, một bài thơ thuộc dạng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà đảm bảo từ cái tựa đề bài hát thôi là đã làm người nghe thấy mông lung, chóng mặt rồi. Sao tự nhiên đêm thấy ta là thác đổ? Nghe có vẻ siêu nhiên kỳ bí quá.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Có một vị đã thiền lâu năm đã thốt lên: “Trịnh Công Sơn phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”.

Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Thành ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ” cũng là thật chứ không phải là chuyện siêu nhiên kỳ bí gì cả. Khi tỉnh ra, thì “vẫn như còn nghe”.

6. Một Cõi Đi Về

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…

Câu hát này sử dụng từ ngữ rất… Trịnh Công Sơn. Nhiều ca sĩ trẻ không biết “con tinh yêu thương” là gì, nên tự ý đổi lại thành “con tim yêu thương” cho nó thơ mộng.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài này. Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về

7. Chiều Một Mình Qua Phố

Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím…

Đó là câu hát quen thuộc trong bài Chiều Một Mình Qua Phố. Nhưng đêm khuya thì làm gì có nắng, vì sao gọi là “nắng khuya”? Đã có 1 số ca sĩ đã đổi lại thành “có khi nắng mưa chưa lên” cho hợp lý, làm cho câu hát nghe rất khiêng cưỡng và buồn cười.


Click để nghe Khánh Ly hát Chiều Một Mình Qua Phố

Thật ra đó là một sự ẩn dụ tinh tế của nhạc sĩ. Bời vì người ta thường chờ trăng lên để ngắm hoa quỳnh nở ban đêm. Nhưng bối cảnh của bài hát là buổi chiều, trăng (nắng khuya) vẫn chưa lên nhưng loài quỳnh kia đã nở tím mất rồi. Trịnh Công Sơn có lẽ bị ám ảnh bởi loài hoa đêm này, nên có hẳn hai bài hát dành cho loài hoa quỳnh là bài Quỳnh Hương và Chuyện Đóa Quỳnh Hương.

8. Mưa Hồng

Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào

Hai câu hát nổi tiếng này trong bài Mưa Hồng thực ra không có chứa đựng câu chữ nào là đánh đố hay khó hiểu. Nhưng nếu giải thích rõ ràng câu hát này ra thì sẽ có nhiều điều thú vị đằng sau đó.

Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng cô Dao Ánh, với bối cảnh ở Huế. Mưa ở Huế thì buồn lắm, có nhiều bài hát đã nói lên nỗi buồn của cơn mưa xứ Huế rồi. Những ai sống ở đất cố đô đều biết con “đường phượng bay” nổi tiếng trong Thành Nội với hai bên trồng toàn cây phượng vĩ.

Còn câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, nếu ghi rõ nghĩa hơn thì sẽ là: em đi về, cầu cho mưa ướt áo em. Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sủng áo mỏng, lớp áo dán sát vào cơ thể. Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó gợi cảm biết nhường nào. Vấn đề ở đây là “ai cầu cho mưa ướt áo em?”. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn đó là “anh”, để anh còn có dịp “thưởng thức” nữa chứ.

Tuy nhiên, cũng trong một buổi tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và Trịnh Công Sơn (đã nhắc đến bên trên), thì bà Mai đã đưa ra ý kiến của bà như sau:

“Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc – lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp… Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện”.

Nếu bạn đọc có góp ý gì thêm về ý nghĩa của những ca từ trong nhạc Trịnh có vẻ cao siêu bí hiểm, xin vui lòng để lại lời bình luận (comment) bên dưới để người nghe, người đọc thưởng ngoạn được nhiều hơn.

Đông Kha (tổng hợp từ các bài viết)

 

--

zingnews.vn

Sức quyến rũ khác thường trong ca từ của Trịnh Công Sơn

Hoàng Phủ Ngọc Tường / NXB Trẻ

 

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại.

Trước hết, có những ý tưởng tự nó mang chất thơ, lạ lùng đến mức người đọc lấy làm hài lòng vì đã hát một bài thơ hay; hoặc cả phiến ca từ ngân nga hoài trong tâm hồn như một bài thơ hay hơn mọi bài thơ.

"Dù em khẽ bước không thành tiếng

Cõi đời bao la vẫn ngân dài"

(Vẫn có em bên đời)

"Dáng em trôi đi, trôi mãi trôi trên ngàn năm"

(Ru em từng ngón xuân nồng)

"Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống

thành hồ nước long lanh"

(Như cánh vạc bay)

"Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi"

(Rồi như đá ngây ngô)

"Vết mực nào xóa bỏ không hay"

(Cát bụi)

"Về bên vết thương tôi quỳ"

(Đêm thấy ta là thác đổ)

"Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô"

(Rừng xưa đã khép)

"Tuổi buồn em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ"

(Tuổi đá buồn)

Nhiều khi, có một câu ngắn khép lại một đoạn, cả đoạn ca từ bên trên lập tức biến thành một đoạn thơ. Ví dụ như câu “Để gió cuốn đi” trong bài hát Để gió cuốn đi.

Ấy là tôi chỉ nhắc lại một cách tình cờ, từ trong một nhạc tuyển nhỏ của Trịnh Công Sơn, mang tựa đề Em còn nhớ hay em đã quên (in năm 1997).

Nhưng đây lại vẫn chỉ là những câu “nổi cộm” trong ca từ, “nổi cộm” nhưng không tiêu biểu. Thực sự, ca từ của Trịnh Công Sơn mang tính thu hút ở cách dùng từ mới mẻ, những từ lạ thường so với những người viết nhạc cùng thời, khiến người ta thấy anh cố tránh sự tầm thường, sự sáo rỗng, bởi những từ ngữ được xài phí quá nhiều lần trong ngôn ngữ của những kẻ sống gặp chăng hay chớ. Cũng vẫn là một nghĩa thôi, nhưng sự tầm thường luôn giết chết nghệ thuật.

Ngay từ loạt bài đầu tiên, ca từ của Trịnh Công Sơn đã tỏa ra một sức quyến rũ khác thường với những từ ngữ như làm cho câu hát vang lên: Nắng thủy tinh, Lời buồn thánh, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm, Ngày sau sỏi đá, Buồn như giọt máu, Cơn đau mịt mù, Lòng như khăn mới thêu, Đời mình là những quán không.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tranh họa sĩ Lê Sa Long. Ảnh: L.S.L.

Phải đâu có một vài chữ để nhặt lên làm ví dụ; toàn bộ chữ nghĩa của ca từ Trịnh Công Sơn được viết bằng loại từ ngữ ấy. Vốn từ của Trịnh Công Sơn tỏ ra rất phong phú về mặt này; và chính mỗi từ ngữ lại tạo thành một hình tượng trong nhận thức của người khác và đem lại một chất thơ lan tỏa trong những bài hát của Trịnh Công Sơn.

Chính hệ thống hình tượng trong ca từ của Trịnh Công Sơn đã kết cấu thành những chi tiết và nhiều chi tiết như thế dệt nên một ý tưởng của ca từ. Người ta không nên coi thường những chi tiết. Chính nhà văn Nga Turgenev đã nói rằng “thiên tài, là những chi tiết”. Và những chi tiết ấy đã âm thầm du nhập “chất thơ” vào những bài hát của Sơn. Thí dụ “chi tiết” như thế này, hỏi có lạ không:

"Phơi tình cho nắng khô mau"

(Tình xót xa vừa)

Theo lời thuật lại của bạn bè, thì vào những mùa đông, xuân, hạ trong năm, Trịnh Công Sơn thường sống ở Sài Gòn để vui chơi, để giao dịch, để hát với công chúng, và để in ấn, mùa thu anh lại trở về Huế để sáng tác. Những tình khúc Trịnh Công Sơn đã được viết ra trên một tấm bàn gỗ mộc, nay vẫn còn.

Có lẽ Trịnh Công Sơn giống như con ve sầu đã viết trên lá của bao mùa thu ở Huế. Nhiều người lưu ý về chất thơ trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Những chi tiết nồng đượm chất thơ ấy là những tế bào tạo nên những ca khúc của Trịnh Công Sơn, như những chiếc lá ở trong rừng.

Và Trịnh Công Sơn đã chạm khắc từng chiếc lá ấy, giống như tạo hóa đã tạo ra lá cây, hay nói đúng hơn, Trịnh Công Sơn là người thơ đã “chạm lọng” trên linh hồn anh, tuyệt đối không để lại một vết dao khắc nào cả.

Trịnh Công Sơn đã sử dụng những chi tiết thật bất ngờ, đồng thời biến các chi tiết thành những yếu tố bình thường, tự nhiên nhi nhiên, như thể những điều ấy đã có từ trước không một chút dụng công tìm kiếm của người nghệ sĩ:

"Về trên phố cao nguyên ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài"

(Lời thiên thu gọi)

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã nói (ở Mỹ) rằng Trịnh Công Sơn là “người viết thơ tình hay nhất thế kỷ”.

Một nhân tố cốt lõi khác trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, chính là niềm tuyệt vọng. (Trịnh Công Sơn - Tự Tình Khúc - Thay lời tựa). Như thể Trịnh Công Sơn từ trong bẩm sinh là một người tuyệt vọng không can nổi. Anh đã tỏ ra rất có “năng khiếu” về nỗi đau khổ trong nhận thức về thế giới, giống như đức Phật đã nhận thức ra những yếu tố Sinh - Lão - Bệnh - Tử của cuộc đời.

Vì thế, ca từ của Trịnh Công Sơn mang một ý vị triết học đặc biệt. Chất thơ của ca từ làm thành “mặt tiền” của những bài hát Trịnh Công Sơn; chính là chất triết học (ở đây là tư tưởng của triết học Phật giáo và triết học hiện sinh) mới là bộ phận cắm sâu vào ngôn ngữ của nhạc sĩ họ Trịnh, khiến cho ca từ của Trịnh Công Sơn nặng trĩu chất muối của số phận.

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại; cả hai quyện thành ý nghĩa của ca từ, giống như vị ngọt và vị đắng đồng thời của một tách cà phê.

Và lạ thay, điều này không khỏi khiến ta bâng khuâng, tại sao trong một bài hát êm ái tuyệt vời như tình khúc Trịnh Công Sơn, lại vẫn phảng phất một chút dư vang của nỗi ngậm ngùi, “phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người” (Trịnh Công Sơn - Tự Tình Khúc).

 

 

 

nld.com.vn

Ca từ đầy ma lực của nhạc Trịnh

Trong ca khúc "Em còn nhớ hay em đã quên", Trịnh Công Sơn viết: "Trong lòng phố mưa đêm trói chân". Từ "trói" trong ngữ cảnh này hoàn toàn bất ngờ. Mưa không là sợi dây, vậy làm sao có thể buộc được chân? Thế mà có đấy, là cách nói do mưa nên đôi chân không thể tự do đi đứng "trong lòng phố", phải bó chân ngồi một chỗ. Điều này khiến ta nhớ đến câu đối xưa: "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách). Từ hình ảnh này, Trịnh Công Sơn đã chọn cách nói khác, ấn tượng hơn vẫn là "trói", mà người nghe cảm thấy gần gũi, không hề xa lạ.

Không những thế, có lúc ông còn vận dụng vốn từ trong ca dao, chẳng hạn "Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào" (Tình sầu). Ở đây là sự kết hợp hình ảnh "áo": "Ra về để áo lại đây/Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng" và "quen hơi": "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi". Rõ ràng, qua sử dụng từ trong trường hợp này, Trịnh Công Sơn đã thể hiện sự am hiểu về cách nói quen thuộc của người Việt nói chung, nhờ vậy, ca từ dễ dàng đi vào lòng người.

Tuy nhiên, có những lúc ông sử dụng biện pháp tu từ mới lạ đến bất ngờ. Hẳn nhiều người còn nhớ đến ca từ: "Người ra đi có đôi dòng lệ. Cỏ xanh rì, cỏ mướt dưới chân. Miệng môi kia ốm o lời thề" (Có nghe đời nghiêng). Ốm o là "gầy gò, ốm yếu, trông thảm hại" (theo "Đại từ điển tiếng Việt" -1999). Ở đây không chỉ về người mà dùng cho lời thề của người đó, tức là người đó đã quên đi lời thề trước đó. Một cách nói tinh tế lắm.

Miêu tả một bàn tay đẹp, ông viết "Tay măng trôi trên vùng tóc dài" (Còn tuổi nào cho em). Từ "măng" được hiểu theo hai nghĩa, măng là non, trẻ như ta vẫn thường nói măng tơ, măng non nhưng "măng" còn gợi lên hình ảnh cụ thể nữa khiến ta hình dung những ngón tay tựa như hình búp măng, thon, dài trắng trẻo và mềm mại. Và trong ca từ đó, sâu lắng nữa còn là từ "trôi", thay thế cho cách nói về động tác vuốt tóc/lùa tóc bằng động tác nhẹ nhàng, thanh thoát.

Ca từ trong "Yêu dấu tan theo" cũng là một trong rất nhiều thí dụ: "Tóc em gầy trong gió/Trong ta giọt máu mù/Khô theo ngày thương nhớ/Vết sầu khắc trên da". Người ta thường nói tóc dài, tóc ngắn bay trong gió, sao ở đây lại gầy? Với từ gầy, tùy theo cảm nhận mà người nghe có thể hiểu khác nhau, đó cũng chính là ma lực của ca từ trong những tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Đã thế, tôi rúng động với câu "Vết sầu khắc trên da". Từ "khắc" quyết liệt, mạnh bạo và "vết sầu" không còn là tâm trạng, nó đã cụ thể hóa bằng vết xăm hiện hữu trên da thịt. Xăm/khắc ở đây không diễn ra mà chính là cách nói về sự tột cùng của lúc "Nghe quanh đời mưa bão/Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo". Không gì còn có thể níu kéo… 

 

 

 

 

thanhnien.vn

Nhà văn Nhật Chiêu giải mã vẻ đẹp ca từ nhạc Trịnh Công Sơn

Thế Sang     

sangdong0497@gmail.com

 

Vào lúc 19 giờ ngày 28.4 tại Cà phê thứ bảy trẻ (Q.3, TP.HCM), nhà văn Nhật Chiêu đã cùng mọi người "bóc tách" ca từ nhạc Trịnh Công Sơn để thấy trong đó những cảm thức vừa đẹp, vừa buồn.

Nhà văn Nhật Chiêu nhận xét vẻ đẹp ngôn từ nhạc Trịnh có được là nhờ tiếng Việt đã giàu có sẵn - Ảnh: Yume Art Project

Nhà văn Nhật Chiêu nhận xét vẻ đẹp ngôn từ nhạc Trịnh có được là nhờ tiếng Việt đã giàu có sẵn

Buổi tọa đàm có chủ đề "Trịnh Công Sơn: Tình ca - Thiền ca" tập trung làm nổi bật vẻ đẹp ca từ nhạc Trịnh lẫn vẻ đẹp vô thường trong nhạc Trịnh. Thời lượng trò chuyện dẫu ngắn nhưng diễn giả, nhà văn Nhật Chiêu đã tóm cho mọi người những nét khái quát nhất về nhạc Trịnh qua những gì ông tâm đắc.

Nhà văn Nhật Chiêu tâm sự thế hệ ông từng lớn lên trong hơi thở nhạc Trịnh. Do đó, ông cảm nhạc Trịnh không chỉ bằng sự tìm tòi, nghiên cứu mà còn cảm bằng những gì sâu kín nhất nhưng cũng giản đơn nhất. Theo ông, người Việt nghe nhiều nhạc Trịnh, nhưng phải chú ý đến ba từ khóa tối quan trọng để bước chân vào thế giới âm nhạc của nghệ sĩ tài hoa: buồn - thương - đẹp. Nhạc của Trịnh buồn, da diết, liêu trai; vẻ đẹp của nhạc Trịnh là vẻ đẹp vượt thời gian, gắn kết mọi người; và qua âm nhạc, Trịnh Công Sơn như muốn ôm ấp cả nhân loại vào lòng, thương mình, thương cả người. 

Nhà thơ Nhật Chiêu nhấn mạnh, nhạc Trịnh mang đậm tính nghịch - hợp, điều đó như một phong cách sáng tác xuyên suốt của Trịnh Công Sơn qua các bài hát. Nghịch trong đối nghịch và hợp trong hợp nhất, một thể. Ông lấy ví dụ, không có bài nào của Trịnh Công Sơn toàn buồn và ngược lại, bởi một khi Trịnh nhắc đến buồn thì ắt sẽ nhắc đến vui, vì Trịnh hiểu, cuộc đời là sự tổng hòa của tất cả. 

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Tiếng Việt của Trịnh Công Sơn là thứ tiếng tài hoa tột độ, thâm thúy tột độ và là một thứ tiếng Việt như chưa từng có! Bao nhiêu nhạc sĩ tài hoa trước ông như Phạm Duy, Văn Cao, Xuân Tiên đã có những cách dùng tiếng Việt đẹp mê hồn nhưng đến ca từ của Trịnh Công Sơn, đó là tiếng Việt vừa đẹp, vừa sâu, vừa mang tính phổ biến". 

Ông lấy ví dụ, chỉ với từ "nối" (đơn cử như bài Nối vòng tay lớn), Trịnh Công Sơn có thể tự do sáng tạo ra rất nhiều những hình ảnh khác liên quan đến từ này. Hay như từ "ở trọ" (bài Ở trọ) của Trịnh, nhạc sĩ có thể suy nghĩ ra rất nhiều kiểu ở trọ trên đời mà chỉ người yêu Trịnh, tìm hiểu về Trịnh mới có thể thấy. Nhật Chiêu thắc mắc: "Không biết là nỗi buồn ở trọ đêm hay đêm ở trọ nỗi buồn?". Cứ như thế, ông cùng khán giả trong căn phòng nhỏ chu du qua miền chữ nghĩa của Trịnh Công Sơn... 

 

Buổi tọa đàm có nhiều tiết mục biểu diễn các bài hát của cố nhạc sĩ như Diễm xưa, Ở trọ, đáng chú ý trong đó có bài Đóa hoa vô thường mà theo nhà văn Nhật Chiêu, đây là kiệt tác trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn Ảnh: Yume Art Project

Buổi tọa đàm có nhiều tiết mục biểu diễn các bài hát của cố nhạc sĩ như Diễm xưa, Ở trọ, đáng chú ý trong đó có bài Đóa hoa vô thường mà theo nhà văn Nhật Chiêu, đây là kiệt tác trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn

Đến tham dự đêm nhạc là phần lớn những người trẻ. Yume Art Project - dự án sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng do Tiến sĩ Đào Lê Na (hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân  văn - ĐHQG TP.HCM) đồng sáng lập - tổ chức tọa đàm offline này sau một năm trì hoãn nhiều hoạt động do ảnh hưởng của dịch, phải hoạt động online. 

Bên cạnh việc xuất hiện trong các chương trình của Yume Art Project, Tiến sĩ Đào Lê Na và thầy cô là nhà văn Nhật Chiêu cũng hay tham gia giảng dạy, làm diễn giả cho các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng khác. Đơn cử như gần đây, cô cùng với nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn trò chuyện về quyển tiểu thuyết Lụa của nhà văn Alessandro Baricco nhân sự kiện quyển này tái bản bìa mới, cũng tại Cà phê thứ bảy trẻ ngày 10.4 vừa qua. Hoạt động tọa đàm lần này do Yume Art Project tổ chức như một lát cắt nằm trong chuỗi sự kiện tưởng nhớ Trịnh Công Sơn khắp cả nước nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông (1.4.2001 - 1.4.2021).