Trích:
Trò chuyện
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
tạp chí Sông Lam
Hồ Gươm gần cả năm nay vắng bóng bước chân của đôi bạn vong
niên– nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh – vẫn
thường bát phố chiều chiều như một thói quen. Thói quen ấy đã dừng lại
kể từ ngày Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt
giường. Số phận lại giáng tiếp ông những đòn chí tử – ông rơi vào hôn mê
thì vợ ông qua đời.
Tôi may mắn được trò chuyện với ông khi ông còn minh mẫn
–một chiều trong quán café Nhân ở Hàng Hành bên Bờ Hồ, và ở nhà ông sau
cơn tai biến, khi ông có thể run run vẽ tranh tặng vợ – bà Phan Thị Từ
Trang: “Vẽ Trang vài nét bút/ Cốt tập để khỏe người/ Cho đầu óc khỏi bí/
Và chỉ là đùa thôi”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói:
Nhà văn là người biết sống trung dung, phong lưu, tri túc, “cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm”. Không dễ gì tổ chức được một cuộc đời như thế. Rất khó, khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức! Các cụ ngày xưa nói “có đức mặc sức mà ăn” là vô cùng sâu sắc, vô cùng tế nhị. Ngày xưa có đạo hơn, con người sống giản dị nên ít bệnh. Bây giờ đuổi theo vật chất, vô đạo. Tôi là một trong những ca điển hình. Mình phải trả giá. Ngày xưa sống thanh đạm, gần đạo hơn, nét mặt vô tâm thư giãn chứ không cố ý thư giãn.
Ông cho rằng ông là một “ca” điển hình của theo đuổi vật chất, có người còn cho rằng khát vọng làm giàu của Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn chưa chấm dứt?
Sống đến lúc nào đấy ta sẽ thấy danh lợi nó vô nghĩa. Chuyện có tiền hay
không đối với tôi bây giờ không quan trọng nữa, nhiều khi nhiều tiền mà
mình không biết cách tiêu hay sử dụng nó, nó chỉ gây tại họa thôi. Thế
nên người ta nói: Mưu cái lợi cho thiên hạ mới là lợi lớn, mưu cái danh
cho muôn đời thì mới gọi là cái danh lớn. Nếu anh chỉ mưu cái lợi cho
mình cá nhân anh mà xã hội không phát triển, không lành mạnh thì bản
thân cái lợi của anh là bị kịch chứ, phải không?
Tôi tâm đắc mấy câu thơ của Ôn Như Hầu, về những thất vọng nội tâm sau một đời phấn đấu: Mùi phú quí nhử làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh/ Giấc Nam Kha khéo bất bình /Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Tôi được cái thời
Nhìn lại nghiệp văn của mình, theo ông yếu tố nào làm nên vị trí đặc biệt của Nguyễn Huy Thiệp trong văn đàn thời kỳ Đổi mới?
Trong đời văn, tôi cũng tìm hiểu về các văn sĩ trong lịch sử, như Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm. Tôi nhận ra một điều, cái xuất xứ của
nhà văn quan trọng lắm. Mình phải làm sao có mặt đúng lúc, chứ sớm hơn
hoặc muộn hơn thì có tài giỏi đến đâu, nhiệt huyết lớn lao đến đâu mà nó
lỡ trớn thì cũng bại. Nhiều khi trong viết lách cũng thế, đôi khi tôi
cũng lặng im, để tác phẩm của mình vào ngăn kéo. Nhưng nhìn chung, trong
30 năm đổi mới, đường văn của tôi khá thông đồng bén giọt. Có thể nói
tôi xuất hiện đúng lúc, đúng năm bắt đầu Đổi mới 1986. Mọi người vẫn gọi
Nguyễn Huy Thiệp là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc). Truyện ngắn “Tướng về
hưu” ra sớm thì cũng hỏng mà ra muộn thì cũng vớ vẩn. Đấy, tôi được cái
thời.
Ông có nhớ thời điểm viết “Tướng về hưu” – truyện ngắn trở thành một hiện tượng văn học thời Đổi mới?
Thời điểm tôi viết “Tướng về hưu” không khí xã hội ngột ngạt lắm. Có
những đoạn tôi viết khi đang xếp hàng đong gạo cho vợ, từ 3 giờ sáng. Có
khi mua được mấy cân gạo, có khi không có gạo mà mua. Thời bao cấp lúc
đó đang trong giai đoạn bế tắc nhất. Ngân sách nhà nước trống rỗng,
khủng hoảng niềm tin. Nhìn chung đó là giai đoạn đúng là phải đổi mới.
Khi những tác phẩm của tôi xuất hiện cũng là khi bắt đầu sự đổi mới
trong văn học. Tôi cũng âm thầm nghiền ngẫm và viết từ trước, nên khi
gặp thời đó nhiều sáng tác của mình cứ ồ ạt ra. Cuối năm 1986, tôi xuất
bản một tập 20 truyện ngắn. Vì thế, nhiều người có nói: Vừa mới xuất
hiện Nguyễn Huy Thiệp đã làm xong sự nghiệp của mình. Nhưng có được sự
nghiệp đó thì phải có không khí của Đổi mới. Cho nên tôi thích câu này
của một vị thiền sư: “Có thời có tự mảy may/ Không thời cả thế gian này cũng không”. Tất cả thuộc vào thời thế, vào không khí chính trị xã hội lúc đó.
Thời thế của Đổi mới tác động đến ngòi bút của ông như thế nào?
Nghề văn là một công việc đặc biệt, tỉnh quá không viết được, mê quá
cũng không viết được, phải nửa mê nửa tỉnh. Viết thực quá cũng hỏng mà
bịa đặt hư cấu quá cũng hỏng. Viết mức độ thế nào cũng phải tùy thời. Có
lúc 7 thực 3 hư, có lúc 7 hư 3 thực, tùy vào thời thế, tùy vào xuất xứ
của nhà văn. Nhiều khi ảnh hưởng của thời thế tác động trực tiếp đến bản
thân mình nhưng cũng có những tác động như là tâm linh. Trước Đổi mới,
văn học Việt Nam nằm trong cảm hứng của hệ tư tưởng duy lý trí (hữu tâm
viết văn). Đổi mới thật sự là cơ hội có một không hai để cho văn học
“chớp thời cơ qua sông dí tốt”, vượt ngục ra khỏi sự cầm tù nghiệt ngã
và đáng sợ kia. Lý trí đơn thuần thường ham cắt xén, chỉ thấy sự ngưng
đọng và chết chóc. Trên thực tại, dòng đời giống như dòng sông, như
“dịch”, không một sát – na nào ngừng trôi chảy, luôn ở trong thế tương
sinh tương lập. Đấy chính là đối tượng văn học, cũng là của Đạo và
Thiền.
Trước đây, văn học chiến tranh, xét một nghĩa nào đó, phản ánh về một xã
hội không bình thường. Xã hội bình thường người ta làm việc, ăn chơi,
du lịch. Trong chiến tranh, các nhà văn hay có tâm thế: Ta đứng đầu trận
tuyến, là lương tâm thời đại. Tôi nghĩ tìm ra được hạnh phúc trong đời
thường mới khó, mới quan trọng. Khi tôi viết truyện “Tướng về hưu” tôi
cũng có ý đó, truyện có sống, có chết, có đám ma, có đám cưới, có ngoại
tình, có đào đồ cổ… Đời thường được nén lại trong “Tướng về hưu”, báo
hiệu cuộc sống đang dần quay lại bình thường.
Trước đó, khi có truyện ngắn “Tướng về hưu” người ta chưa hình dung được đời thường của ông tướng?
Lúc đó, ông tướng không có đời thường. Sau khi tôi viết “Tướng về hưu”
Quân khu Thủ đô mời tất cả các vị tướng tá họp lại (khoảng 146 ông) xem
phim “Tướng về hưu”. Xem xong có một ông tướng nói: “Tay nhà văn này văn
chương cũng vớ vẩn nhưng có một điều nói đúng: Tức là tướng cũng phải
về hưu chứ”. Tôi thấy vị tướng đó nói đúng. Sau đó, mọi người mới ngồi
bàn với nhau, xem tướng về hưu thì sẽ thế nào, lương và tiêu chuẩn phân
nhà ra sao. Điều đó rất quan trọng. Theo tôi biết, truyện ngắn “Tướng về
hưu” ra đời trước khi có chế độ về hưu của các vị tướng.
Ông gặp thời và thời thế, văn chương đã mang lại những gì cho Nguyễn Huy Thiệp?
Viết “Tướng về hưu” tôi vẫn nghĩ đó là nhờ thời thế. Mặc dù nghề văn cực
nhọc, nhưng tôi cũng có một chút danh (có thể là danh hão), tôi cũng
được đi nước ngoài, đi Mỹ 2 lần, đi Anh, đi Đức, đi Pháp, Thụy Điển… Nếu
mình chỉ là một giáo viên quèn ở Tây Bắc thì làm gì có những chuyến đi
đó.
Nhưng tôi sợ nhất chuyện danh hão, nó hão huyền và dày vò người ta. Viết
văn không kiếm được nhiều tiền. Nghề văn khó ở chỗ giàu quá không viết
được, nghèo cũng không viết được. Vị trí của anh nhà văn phải nhỉnh hơn
thảo dân và gần với bậc thang cuối cùng trong xã hội.
Cho dù gặp thời, nhưng viết văn là nghề đòi nhà văn phải trả giá, thậm chí là giá “cắt cổ”?
Đúng rồi. Văn học không phải là công việc dễ dàng gì. Phải sống thế nào
đấy, đi thế nào đấy, đọc thế nào đấy mới viết được. Tôi lấy một thí dụ,
một trường hợp cụ thể của anh Nguyễn Việt Hà. Anh ấy là người có tài,
đọc nhiều, thế nhưng anh lại muốn tìm đến danh lợi trong văn học rất dễ
dàng. Tôi vẫn thường xuyên nói với anh : Nếu ông vẫn vợ đẹp con khôn, đi
làm lương vẫn cao, vẫn đi uống cà phê ở Hai Bà Trưng hằng ngày, rồi ông
vẫn sung sướng với những lời tán dương về tác phẩm cũ ấy thì rất khó!
Nghiệp văn của ông trùng với 30 năm văn học Đổi mới. Có lúc nào ông tổng kết lại sự nghiệp của mình, những hay, dở, thành, bại?
Tôi muốn nhắc lại câu nói của mẹ Terêsa: “Tôi chỉ là cây bút trong tay thượng đế”. Thời cuộc mượn tôi thôi. Tôi ngẫm ra nghề văn là nghề phải tu luyện Chân – Thiện – Mỹ, Chân – Thiện – Nhẫn, mình viết một cách chân thực, thiện tâm, nhẫn chịu và luôn hướng về cái đẹp thì đi đâu cũng gặp được người tử tế và hiểu mình. Đừng sợ mọi người không hiểu mình. Trong những năm tháng viết văn mặc dù tôi cũng làm nhiều điều rồ dại, nhưng nhìn chung tôi cũng gây được cảm hứng được với văn đàn Việt Nam.
Thời bây giờ khác rồi
Mới đây ông có phát biểu trong buổi ra mắt tác phẩm mới của
cây bút Đỗ Hoàng Diệu – tác giả của truyện ngắn “Bóng đè”. Là một nhà
văn thành danh thời Đổi mới, ông nghĩ gì về các tác giả trẻ hôm nay,
liệu họ có bị “Bóng đè”?
Thời bây giờ khác rồi. Các cây bút không thể ỉ vào năng khiếu, vấn đề tổ
chức công việc mới là quan trọng, viết văn giờ gắn với thương trường,
gắn với điện ảnh, gắn với truyền thông và mạng xã hội. Thế hệ nhà văn
bây giờ có cái dễ và cũng có cái khó. Cái khó nhất là phải nắm bắt được
công nghệ, phải có ngoại ngữ, phải giao tiếp được với thế giới bên
ngoài. Việc Đỗ Hoàng Diệu sang Mỹ sống và viết văn cũng tốt. Nhưng mà
theo tôi, thế hệ của Diệu cũng đã là già một giáp rồi.
Những cái ông nói vẫn mang tính chất thời thế, nhưng có một thứ không thay đổi được là tài năng và đam mê của người viết?
Tôi nghĩ đầu tiên phải là đam mê. Nhưng không phải yêu một cách vô điều
kiện, bây giờ yêu văn học cũng phải có điều kiện. Ngoài cái bản năng,
cái trời cho ra cũng phải được trang bị về công nghệ, về ngoại ngữ, về
các quan hệ. Những quan hệ thời hiện tại cũng rất quan trọng với một
người nghệ sĩ. Ai cũng có tham sân si, nhưng phải biết tiết độ, chừng
mực.
Sự chừng mực có ảnh hưởng tới sự nghiệp của ông không. Tôi
cảm giác như lúc mới bắt đầu Đổi mới ông rời vạch xuất phát và lao đi
rất nhanh, nhưng rồi sau đó chậm dần, vì sao vậy?
Đây là câu chuyện khác. Nếu xét khía cạnh nào đấy, sự nghiệp văn chương
của tôi có hai giai đoạn. Lúc đầu tôi viết: “Tướng về hưu”, “Không có
vua”, “Giọt máu”, “Phẩm tiết”, “Kiếm sắc”…, đó như là giai đoạn bản
năng. Giai đoạn này đến vào khoảng năm 1991. Bắt đầu từ truyện ngắn
“Sang sông” thì sang giai đoạn hai. Sau “Sang sông” văn tôi có hơi hướng
đi sâu vào tôn giáo, đa tầng, đa nghĩa hơn. Trước đó, tính chất vô
thần, duy vật tương đối rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài rất
thích truyện “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”; “Mưa Nhã Nam”; “Thương cả
cho đời bạc”, tức là những truyện rất vu vơ nhưng nó có chiều sâu hơn.
Giai đoạn đầu là những truyện ngắn mang tính chất nhập thế, bản năng
cao. Sau này, độ bình thản của tôi cao hơn, chứ giai đoạn trước “Sang
sông”, tôi nhiều khi như một thằng điên. Thí dụ, ở nhà tôi làm cái chong
chóng to tướng để quay, thậm chí tôi định vào trong bản Đôn để mua một
con voi về. Nếu như chỉ trong giai đoạn đầu thì tôi sẽ không đi xa được,
kiệt sức ngay.
Theo ông, sau 30 năm Đổi mới, văn học có xuống dốc?
Tôi nghĩ không phải xuống dốc đâu mà sang một thời mới. Có lẽ văn học hiện nay phải theo kiểu khác cái thời của tôi.
Nhưng khác thế nào thì văn học vẫn phải có tác giả và tác
phẩm đỉnh cao. Nhưng vì sao hiện nay, mọi thứ có vẻ thuận lợi mà sao
không có những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp?
Tôi vẫn quay lại chữ thời. Có lẽ phải đợi thời. Cái thời như thế nào tôi
cũng không biết, cũng hoang mang. Bây giờ đã định hình cái gì đâu.
Chẳng hạn như trong giáo dục, chưa bao giờ ta có một nền giáo dục loạng
xoạng như bây giờ. Có những thứ diễn ra trong xã hội vượt qua trí tưởng
tượng của tôi. Kể cả trong gia đình, một số giá trị cũng đảo lộn. Cuộc
đảo lộn này rất kinh, chưa biết sẽ đến đâu.
Với hiện thực này, ông có tiếp tục một cuộc hành trình mới không?
Không. Tôi cũng không ảo tưởng.
Vì sao gần đây nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại chuyển sang làm thơ – trong khi ông đã từng có bài đả kích những người “lăng nhăng thơ phú” trong bài tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên”?
Ông Huy Cận có một câu thơ hay trích lại lời nói của ai có ý là: văn
chương nó như một tiếng kêu gọi đàn. Tôi thấy điều đó rất là đúng! Làm
sao có một nhà văn cô đơn tuyệt đối ở giữa đồng loại, ở giữa những người
đương thời của mình được? Ông phải chú ý đến người nọ người kia, đến
không khí văn chương lúc đó thì ông mới có thể viết ra một tác phẩm hợp
thời chứ. Tôi vẫn nói là văn chương Việt Nam cũng giống như bóng đá Việt
Nam: có nhiều người đá vào chân và cũng có nhiều người đá vào bóng, có
người “đá” bằng tay, có người “đá” bằng đầu và cũng có người “đá” bằng
các quan hệ. Thì một anh nhà văn Việt Nam cũng phải tham gia cái trận
cầu ấy, ông cũng phải lớn lên, cũng phải trưởng thành. Tôi nghĩ các nhà
văn nổi tiếng trên thế giới họ cũng thế thôi, các tác giả được giải
thưởng Nobel cũng vậy thôi, cũng phải từ những sân bãi chật hẹp của họ,
từ Brazil, từ Thụy Điển hay từ một nơi hoang vắng nào đó…
Ông vừa nói ông không ảo tưởng nữa, những với một nhà văn,
khi hết ảo tưởng có khi cũng đã cạn kiệt năng lượng sáng tạo. Ông có còn
chút ảo tưởng nào không, ví dụ mơ về giải Nobel văn chương? Ở một trạng
thái khác, lúc này văn chương có làm ông hoang mang?
Tôi có 2 tác phẩm được dịch ra tiếng Thụy Điển. Ai theo văn chương mà
chẳng mơ được giới thiệu ở đất nước của giải Nobel. Đây là vinh hạnh
nhưng cũng gây nhiều khủng hoảng, nhiều mâu thuẫn cho tôi, khiến mình mơ
mộng lẫn ảo tưởng. Có người hỏi tôi khi nào hết ảo tưởng, tôi trả
lời:“Chắc chết”.
Tôi chưa bao giờ hoang mang về văn chương. Tôi làm mọi thứ có thể hoang
mang chứ văn chương thì chưa. Những người yêu văn chương đích thực kiểu
gì cũng tìm được đường thoát hiểm cho riêng mình. Văn chương là thứ rất
đáng quý, rất đáng hy sinh về nó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phùng Nguyên (Thực hiện)
(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam, Số 9/ Chào năm mới 2021)
No comments:
Post a Comment