1. TỪ (METTÀ)
Những đề mục Thiền kế tiếp các tùy niệm là 4 Phạm trú, tức Từ, Bi, Hỉ và Xả. Trước hết hãy nói về Từ.
Một hành giả muốn tu tập đề mục thiền nầy trước hết phải trừ khử những chướng ngại và học kỹ về nó bằng cách quán sát những nguy hiểm của sân hận và lợi ích của sự kham nhẫn, như kinh đã dạy: "Không có pháp nào cao hơn nhẫn nhục, không có Niết bàn nào cao hơn kham nhẫn". (Trường II, 94; Pháp cú 184).
Theo luận chủ, lúc mới bắt đầu tu tập về tâm từ, hành giả nên tránh 5 đối tượng sau đây: Người thân; kẻ thù; người dưng; người khác phái; và người đã chết. Vì đối với người thân thì tâm ta bị ràng buộc nặng nề về đời sống của họ. Còn đối với kẻ thù thì hành giả sẽ dễ nổi sân. Ðối với người dưng, hành giả sẽ khó chú tâm. Ðối với người khác phái, thì hành giả có thể khởi lên tham dục. Ðối với người chết, thì quán niệm khó đạt được kết quả. Thế nên, tốt nhứt là hành giả nên trải tâm từ đến chính bản thân mình và lập đi lập lại như sau: "Mong rằng ta được an lạc, thoát khỏi mọi khổ ách". Kế đến, hành giả nên trải tâm từ đến một giáo thọ sư hay một đồng giáo thọ sư với ước mong: "Mong rằng con người hiền thiện ấy được hạnh phúc an vui, thoát khỏi mọi khổ ách". Hành giả áp dụng phương pháp quán từ tâm như thế rất dễ đạt đến định an chỉ. Khi pháp quán đã tiến triển thuận lợi, hành giả sẽ trải tâm từ đến một người thân, rồi đến một người dưng và cuối cùng là đến kẻ thù.
(Xua tan tâm hận)
Nhưng nếu hành giả lấy kẻ thù làm đối tượng để quán từ tâm mà không thể xua tan được những sự hiềm hận đối với họ, thì nên suy nghĩ theo tinh thần Phật dạy:
"Hận thù diệt hận thù
Ðời nầy không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật nghìn thu". (PC. 5)
Ðồng thời tự cảnh tỉnh mình bằng cách suy nghĩ về những điều mà kẻ thù mong muốn cho kẻ thù mình như sau: "Mong rằng nó xấu xí, mong rằng nó ngủ trong đau khổ; mong rằng nó gặp điều bất hạnh; mong rằng nó bị nghèo khốn; mong rằng nó phải sống trong cô độc; mong rằng sau khi thân hoại mạng chung nó phải sinh vào cõi dữ, ác thú". (A. IV. 94). Bởi vì, nếu ta để cho lòng hận thù cấu xé, thì ta sẽ ngủ không yên, thân thể sẽ trở nên xấu xí và do thế sẽ tự làm hại mình và làm cho kẻ thù được thỏa mãn mà thôi.
Theo chiều hướng suy nghĩ như vậy mà hận thù lắng dịu thì tốt, bằng không, hành giả nên xóa bỏ mối tức giận kia bằng cách nhớ lại vài ưu điểm nơi người ấy. Vì một người dù ngu si, xấu xa đến đâu cũng sẽ có được vài nét dễ mến.
Nhưng nếu sự tức giận vẫn khởi lên, mặc dù hành giả đã cố gắng, thì nên tự trách như sau:
"Cơn giận dữ chưa chắc hại ai
Nhưng chắc chắn hại ngươi trước nhất
Kẻ sân trước lên đường đau khổ
Người sân sau bén gót theo sau".
Nếu hiềm hận vẫn không giảm, thì hành giả nên nghĩ đến sự thật "Mọi chúng sinh đều là kẻ thừa tự nghiệp quả của chúng" như sau: "Có lợi ích gì khi tức giận như vậy ! Há chẳng phải nghiệp sân nầy của ngươi chỉ đưa đến tai hại cho ngươi? Vì ngươi là sở hữu chủ của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Ngươi giống như kẻ tay cầm cục than nóng đỏ, hay cục phân để đánh người, chưa gì, mà chính mình đã cháy và hôi thối ghê tởm". Lại nghĩ: "Kẻ tức giận ngươi sẽ ra sao? Có phải chung cục sẽ đưa đến tai hại cho chính nó? Ðiều đó có khác gì một người đứng ngược gió mà tung bụi vào kẻ khác, cuối cùng chỉ làm cho chính thân mình lấm bụi mà thôi":
"Nếu hại người lương thiện
Người thanh tịnh vô nhiễm
Ác quả sẽ về ta
Như ngược gió tung bụi". (PC. 125)
Nhưng nếu hiềm hận vẫn không nguôi, thì hành giả nên nghĩ đến những đức tính đặc biệt của đức Thế Tôn trong những tiền kiếp, như chuyện Bản sinh Khantivàdin kể lại: "Khi vua Kàsi ngu ngốc hỏi Ngài (đang là một tu sĩ): "Nầy sa môn, ngươi giảng về pháp gì thế?" Ngài đáp: "Tôi là người giảng về pháp nhẫn nhục". Nhà vua liền sai quân lính chặt hết tay chân Ngài, nhưng Ngài vẫn tự chế ngự, không khởi lên một niệm sân hận nào hết". (Jà III, 39) Và còn biết bao chuyện Bản sinh khác nói về hạnh nhẫn nhục, từ ái của Phật, khi thì Ngài làm tượng vương, khi thì làm long vương, khi thì làm khỉ chúa v.v... tất cả đều đáng cho chúng ta tìm hiểu để học về hạnh nhẫn nhục của Ðức Ðạo Sư.
Nhưng, nếu nghĩ những đức tính đặc biệt của Thế Tôn, mà hiềm hận vẫn không lắng dịu, thì hành giả nên đọc lại những kinh đề cập đến vòng sinh tử nối tiếp vô tận, như sau: "Nầy các Tỳ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh nào chưa từng là mẹ ngươi, cha ngươi, anh ngươi, chị ngươi, con trai, con gái ngươi". (S. II. 189) Thế nên, hành giả hãy nghĩ về người kia như sau: "Con người nầy trong quá khứ đã từng làm mẹ ta, cưu mang ta suốt 10 tháng trong bụng, chính tay đã rửa phân, tiểu, sài, đẹn của ta không chút nhờm gớm, nâng niu ta trên gối, ẵm bồng ta bên nách, nuôi nấng ta suốt cả tuổi ấu thơ...", rồi nghĩ rằng người đó hoặc là cha, là anh, chị hay em ta v.v..., cũng bằng cách ấy.
Nhưng nếu vẫn không dập tắt được hiềm hận bằng cách ấy, thì hành giả nên gợi lại 11 lợi ích của lòng từ mà đức Thế Tôn đã dạy sau đây: "Người tu tập lòng từ sẽ ngủ trong an ổn; thức trong an ổn; không chiêm bao ác mộng; được người khác yêu mến; được phi nhân giúp đỡ; được chư Thiên hộ trì; lửa, khí giới và chất độc không làm hại được; tâm dễ an định; nét mặt thanh thoát; khi chết tâm không rối loạn; và nếu không được đạo quả gì cao siêu, thì ít nhất cũng đuợc tái sinh về cảnh giới Phạm thiên". (A. V. 342)
Nếu đã áp dụng phương pháp đó mà vẫn không hết tức giận, thì hành giả hãy phân tích tính chất vô ngã nơi người ấy, như sau: "Khi ngươi tức giận kẻ kia, thì cái gì nơi kẻ lấy làm cho ngươi tức giận? Người giận tóc, hay lông, hay móng... hay nước tiểu?" Nếu phân tích con người ấy, về tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị xứ hay thập bát giới, ta đều không thấy có một yếu tố nào để kết luận có một ngã thể nơi người ấy. Do thế nên cơn giận không có một chỗ nào để mà đặt chân lên được.
Nhưng nếu hành giả không thể phân tích được bằng cách ấy, thì nên tìm cách tặng cho người đó một món quà. Khi làm như vậy, sự hiềm hận sẽ có nhiều thuận duyên để lắng dịu.
Qua các phương thức đã trình bày, thế nào hành giả cũng tìm được một gi?i pháp thích hợp với hoàn cảnh và trình độ của mình để mà tu tập, như Kinh mô tả: "Vị tỳ kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, trên, dưới, bốn bên, cùng khắp thế giới bình đẳng; vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, chan chứa, cao cả, vô biên, không hận, không não" . (D. I, 250)
Biến mãn nghĩa là cùng khắp tất cả. Ở đây chỉ cho khắp chủng loại và khắp 10 phương. Chủng loại gồm có 7, đó là: Nữ nhân, nam nhân, các bậc thánh, người phàm tục, chư thiên, nhân loại, và tất cả những chúng sinh ở các đọa xứ. Mười phương là Ðông, Tây, Nam, Bắc, 4 góc và trên dưới. Hành giả phải cầu mong cho 7 chủng loại ở khắp mười phương thoát khỏi hận thù, ưu não, và sống hạnh phúc.
Từ chúng sinh hay hữu tình được dịch từ chữ Satta có nghĩa là bị giữ lại, hay bị dục vọng tóm lấy, và tham luyến đối với 5 uẩn. Lại còn có mấy từ tương đương khác, như vật có hơi thở (pàna), vì sự hiện hữu của chúng tùy thuộc vào hơi thở vô, hơi thở ra; hữu thể (bhùta), vì có sự hiện hữu, được sinh ra và được trở thành; người (puggala), được dịch âm là bổ-đặc-già-la, nó được cấu trúc từ chữ pum: tên gọi địa ngục, và chữ galanti: rơi vào. Ngoài ra, còn có từ tự ngã (attabhàva), chỉ cho cái thân vật lý, hay cả ngũ uẩn. Tóm lại, từ chúng sinh gồm có các nghĩa: hữu tình, hữu thể, vật có hơi thở, người và tự ngã (Satta, pàna, bhùta, puggala và attabhàva).
Bản luận kể về trường hợp trưởng lão Visàkha an trú 4 tháng tại tu viện Cittapabbata, tu tập từ tâm được loài phi nhân cảm mến, đến lúc Ngài ra đi, phi nhân ấy khóc lóc, Ngài hỏi vì sao, thì nó nói: "Bạch đại đức, trong lúc Ngài trú tại đây, thì các phi nhân đối xử với nhau ôn hòa và tử tế. Bây giờ Ngài đi, thì chúng sẽ khởi sự gây lộn và nói tục".
--
http://www.budsas.org/uni/u-thanhtinh-dao/ttd-08c.htm
No comments:
Post a Comment