Monday, 21 September 2020

Sach cua Tran Duc Thao

 


Binh luan sau:

 

Trích

..

 

Về Quyển Sách của Trần Ðức Thảo: 
Hiện Tượng Học và Duy Vật Biện Chứng

Roland Barthes [1]

Trong số các bài điểm sách về tác phẩm trên của Trần Đức Thảo, đây là bài ngắn mà sát nhất, đăng trên Combat, ngày 11/10/1951, và in lại trong Roland Barthes Toàn Tập, quyển 1, 1993, tr. 107. Bản dịch của Phạm Trọng Luật.

Quyển sách của Trần Đức Thảo là một thử nghiệm liên kết hai phương pháp cho đến nay vẫn bị xem là thù địch bởi những người chủ trương của cả đôi bên: hiện tượng học của Husserl và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sự kết hợp này, thật ra, không phải là một cuộc hoà giải: điều mà hiện tượng học có thể mang lại cho chủ nghĩa Marx là một cách thức mô tả nghiệm sinh, có thể nói là một thứ ngôn ngữ nếu muốn; ngược lại, điều mà chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể mang lại cho sự mô tả hiện tượng học là đường chân trời và sự hoàn tất. Như vậy là có cấp bậc, và niềm tin của Trần Đức Thảo được đặt dứt khoát nơi chủ nghĩa Marx chứ không phải trên hiện tượng học: ngay cả khi được trình bày trong sáng như trong suốt phần một của tác phẩm, hiện tượng học vẫn là bất cập; trái lại chủ nghĩa Marx thì hoàn chỉnh và chỉ nhận từ hiện tượng học một thứ thiết bị kỹ thuật. Thật ra, đây là một hành trình: hiện tượng học trao đuốc thiêng lại cho chủ nghĩa Marx cùng với loại từ vựng cho phép nó mô tả sự vận động của ý thức và những huyền thoại của Lịch Sử.

Trong phần hai của tác phẩm, Trần Đức Thảo đã dùng sự mô tả hiện tượng học như thế để phục vụ cho hai khẳng định chính của chủ nghĩa Marx. Thứ nhất: ý thức được xây dựng từ vật chất; ở đây, ông Thảo phân tích một số tập tính của thú vật và trẻ em, và bằng cách miêu tả sự chênh lệch nói chung giữa những hành vi ngoại hiện với ý nghĩa nội tại, ông có thể giải thích mỗi tình trạng ý thức dựa trên một trạng thái vật chất trước đó. Bởi vì đối với ông Thảo, «trong mỗi vận động ý hướng tính chẳng có gì khác hơn là một vận động vừa phác họa đã bị trấn áp» [2].

Khẳng định thứ hai được Trần Đức Thảo cho mượn thiết bị hiện tượng học là: mỗi hệ tư tưởng khác nhau của nhân loại đều có một nội dung chính xác. Thảo xác định biện chứng của các xã hội người, và chỉ ra trong mỗi huyền thoại hoặc triết lý cái hoạt ánh nhại dạng của những quan hệ sản xuất đương thời.

Rất đặc sắc, sự chứng minh của Trần Đức Thảo có giá trị lớn là đã đặt sự tiến hoá của tư tưởng và huyền thoại vào trong sự tiến hoá của Lịch Sử chiều sâu, đó là lịch sử của sở hữu, hay đúng hơn nữa, của ý tưởng sở hữu. Chắc hẳn đây không phải là một hệ thống phương trình đã giải cạn những giai đoạn của Lịch Sử. Như đã được viết, quyển sách của Trần Đức Thảo tiêu biểu cho tình trạng sau cùng - nhưng chưa phải là tối hậu - của chủ nghĩa Marx tư duy.

Chú thích

     

[1] Roland Barthes (1915-1980). Nhà văn, nhà phê bình và lý luận văn học Pháp. Mồ côi cha từ khi lên một, lao phổi từ năm 19 tuổi. Học tại các trường trung học Montaigne và Louis-le-Grand, trước khi vào đại học Sorbonne (1935). Đọc nhiều từ trẻ và xuất ngoại cũng không ít. Trong thời kỳ dưỡng bệnh ở Thụy Sĩ (1945-1949), làm quen thêm với tác phẩm của Michelet, Sartre, Marx, Lénine và Trotski. Barthes đã từng làm quản thủ thư viện tại Viện Pháp Học ở Bucarest (1948), công tác ở Văn Hoá Vụ của Bộ Ngoại Giao (1950-1952), nghiên cứu xã hội học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia (1955), nhưng chủ yếu vẫn là dạy học (1949-1951: Đại Học Alexandrie Ai Cập; 1962: École Pratique des Hautes Études Paris; 1969-1970, Đại Học Rabat Maroc). Chính trong thời kỳ làm lecteur (trợ giáo về sinh ngữ) tại Alexandrie mà ông tiếp xúc với ngôn ngữ cấu trúc (Saussure, Brœndal et Jakobson), và trở thành đại biểu chính của cấu trúc luận trong văn học. Ngoài ra, ông còn hoạt động tích cực trong nhiều lãnh vực văn hoá khác, như kịch nghệ (cộng tác với Théâtre Populaire, ủng hộ Jean Vilar, giới thiệu kịch của Brecht), báo chí (viết cho Combat, Esprit, France-Observateur, Tel Quel…), và xuất bản (cố vấn văn học cho Arc, tham gia xây dựng các tạp chí Arguments, Communications, Quinzaine Littéraire). Năm 1977, Barthes được bổ giáo sư ngành Tín Hiệu Văn Học tại Thái Học Viện Pháp Quốc (Collège de France). Ông mất năm 1980 sau một tai nạn xe hơi ngay trước Viện, để lại một sự nghiệp đồ sộ, chủ yếu là văn học, bên cạnh một số «hệ thống ý nghĩa» khác (thời trang, nhiếp ảnh…). Tất cả đã được in lại trong bộ: Barthes, Roland. Oeuvres complètes. Ed. établie et présentée par Eric Marty. Paris: Ed. du Seuil, 1993-1995. 3 t. (I: 1942-1965; II: 1966-1973; III: 1974-1980)

[2] Mỗi sinh vật là trung tâm của những chuỗi vận động và hành vi liên tục.  Hành vi mới nối tiếp hành vi cũ, và ý thức xuất hiện đúng vào lúc hành vi cũ vừa khởi hiện đã bị hành vi mới lấn át. Chính những phác thảo vận động bị trấn áp này tạo nên ý thức như dữ kiện nghiệm trải. Như thế, nghiệm sinh luôn luôn trễ hơn hành vi thực sự một bước. Ý thức luôn luôn chạy theo hiện thực, bởi vì sự thật là hiện thực quy định ý thức chứ ý thức không quy định hiện thực.

--

http://www.viet-studies.net/TDThao/TDThao_Barthes.htm
 

No comments: