Để nhớ về lịch sử Trung Quốc là một thách đố thú vị. Do đó từ lâu anh vẫn muốn ghi lại thành một bài viết, gom góp những tài liệu để chép xuống. Sau đây là những góp nhặt, ban đầu chủ yếu dựa vào tự điển Wiki.
http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Trung_Qu%E1%BB%91c
Sau này, anh sẽ từ từ bổ xung từ những tài liệu khác. Ví dụ, bổ xung về các nhân vật đã sống trong từng triều đại ấy!
ĐỗNguyễn
Lịch sử Trung quốc
1. Tam Hoàng Ngũ Đế
Tam Hoàng Ngũ Đế (chữ Hán: 三皇五帝) là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, thời kỳ ngay trước thời nhà Hạ.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ba vị vua là:
- Thiên Hoàng - 天皇 (trị vì 18.000 năm)
- Địa Hoàng - 地皇 (trị vì 11.000 năm)
- Nhân Hoàng - 人皇 (còn gọi là Thái Hoàng - 泰皇) (trị vì 45.600 năm).
Trong đó, Phục Hi và Nữ Oa là thần chồng và thần vợ, được coi là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy. Cũng như Thần Nông là người đã phát minh ra nghề nông và là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.
Tác phẩm
Kinh Dịch
64 quẻ dịch
được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hy (伏羲 Fú Xī). Theo nghĩa này thì ông là một nhà văn hóa, một trong Tam Hoàng của Trung Hoa thời thượng cổ (khoảng 2852-2738 TCN, theo huyền thoại), được cho người sáng tạo ra bát quái (八卦 bā gùa) là tổ hợp của ba hào. Dưới triều vua Vũ (禹 Yǔ) nhà Hạ, bát quái đã phát triển thành quẻ, có tất cả sáu mươi tư quẻ (六十四卦 lìu shí sì gùa), được ghi chép lại trong kinh Liên Sơn (連山 Lián Shān) còn gọi là Liên Sơn Dịch. Liên Sơn, có nghĩa là "các dãy núi liên tiếp" trong tiếng Hoa, bắt đầu bằng quẻ Thuần Cấn (艮 gèn) (núi), với nội quái và ngoại quái đều là Cấn (tức hai ngọn núi liên tiếp nhau) hay là Tiên Thiên Bát Quái.
2. Nhà Hạ
(tiếng Trung: 夏朝; bính âm: Xià Cháo; Wade–Giles: Hsia-Ch'ao; khoản thế kỷ 21 TCN - 16 TCN) là triều đại đầu tiên ở Trung Quốc được mô tả trong các ghi chép sử học cổ đại như Sử ký, Trúc thư kỉ niên, Kinh Thư. Triều đại này được vua Đại Vũ [1] huyền thoại thành lập sau khi Thuấn, một trong Ngũ Đế nhường ngôi cho ông. Nhà Hạ sau này được kế thừa bởi nhà Thương.
Theo biên niên sử truyền thống dựa trên các tính toán của Lưu Hâm, nhà Hạ trị vì từ khoảng năm 2205 TCN tới năm 1766 TCN; theo biên niên sử dựa trên Trúc thư kỉ niên, khoảng thời gian này là từ khoảng 1989 TCN tới 1558 TCN. Hạ Thương Chu đoạn đại công trình đưa ra các con số tương ứng là 2070 TCN và 1600 TCN. Mặc dù một số học giả từng tranh cãi về sự tồn tại của triều đại này[2], nhưng chứng cứ khảo cổ học lại chỉ ra sự tồn tại của nó. Giới sử gia Trung Quốc coi đây là triều đại đầu tiên của Trung Quốc, sau thời Tam hoàng Ngũ đế và trước thời nhà Thương. Tuy nhiên, người ta có quyền đặt nghi vấn đối với triều đại này vì trên thực tế, những văn thư đầu tiên của Trung Quốc được viết ra sau triều đại này cả hơn một nghìn năm.
3. Nhà Thương
(tiếng Trung Quốc: 商朝, Thương triều) hay nhà Ân (殷代, Ân đại), Ân Thương (殷商) là triều đại đầu tiên được công nhận về mặt lịch sử là một triều đại Trung Quốc. Theo biên niên sử dựa trên các tính toán của Lưu Hâm thì nhà Thương trị vì từ khoảng năm 1766 TCN tới khoảng năm 1122 TCN, tuy nhiên theo biên niên sử dựa theo Trúc thư kỉ niên thì khoảng thời gian này là 1556 TCN tới 1046 TCN. Các kết quả của Hạ Thương Chu đoạn đại công trình coi khoảng thời gian này là từ 1600 TCN tới 1046 TCN.
4. Nhà Chu
(tiếng Trung: 周朝; bính âm: Zhōu Cháo; Wade–Giles: Chou Ch'ao [tʂóʊ tʂʰɑ̌ʊ]) nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc. Nhà Chu tồn tại lâu hơn bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc và việc sử dụng đồ sắt cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Nhà Chu cũng là khoảng thời gian khi hệ thống chữ viết cổ xuất hiện trên các đỉnh đồng thời Tây Chu bắt đầu chuyển sang giai đoạn hiện đại, dưới hình thức những văn bản ghi chép cổ cuối thời Chiến Quốc.
Nhà Đông Chu
Năm 771 TCN, khi Chu U Vương phế truất Thân hậu để đưa Bao Tự lên thay thế, kinh đô nhà Chu đã bị các lực lượng du mục phía đông bắc tràn vào cướp phá do sự xúi giục của Thân Hầu (cha Thân hậu). U vương bị giết và con cả là thái tử Nghi Cữu được các quý tộc chư hầu Trịnh, Tấn, Tần đưa lên làm vua, tức là Chu Bình Vương, dời đô về phía đông năm 771 TCN tới Lạc Dương, tỉnh Hà Nam hiện nay. Từ đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu, và chỉ kết thúc khi bị nhà Tần lật đổ vào năm 256 trước Công Nguyên; trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn này được gọi là "Thời Xuân Thu" (771-403 TCN) và "Thời chiến quốc" (403-256 TCN).Sự phân chia này dựa trên một bộ sử biên niên của Khổng Tử, bộ Kinh Xuân Thu. Bộ này chép sử nước Lỗ từ năm thứ nhất đời Lỗ Ấn Công (722 TCN) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (481 TrCN), gồm 240 năm, năm 479 là năm Khổng Tử mất. Nhiều học giả thấy năm 722 và năm 480 (hoặc năm 479) không đánh dấu một biến cố lớn lao nào trong lịch sử, nên đã chia lại như sau:
- Thời Xuân Thu: 770-403 TCN, từ đời Chu Bình Vương tới cuối đời Chu Uy Liệt Vương.
- Thời Chiến Quốc: 403-221 TCN, từ đời Chu An Vương đến khi nước Tần diệt được Tề và thống nhất Trung Quốc.
Ở giai đoạn Xuân Thu (771-403 TCN), Trung Quốc gồm phần lớn là một nhóm các tiểu vương quốc; chính nhà Chu cũng không bao giờ có đủ quyền lực quân sự và chính trị để tái chiếm phía tây hay thậm chí là giữ được quyền kiểm soát các tiểu quốc của mình. Nhược điểm của phong kiến phân quyền phát tác:
- Nó không thể vững lâu được vì phải dựa vào quyền của thiên tử nhà Chu. Mà nhà Chu thì phải cắt dần đất đai phong cho các vương hầu công khanh nên mỗi ngày một hẹp lại, trông vào sự cống hiến của chư hầu thì không được bao nhiêu, do đó quyền lực Thiên tử càng ngày càng yếu đi.
- Chư hầu trái lại, ở xa kinh đô nhà Chu, tự ý mở mang đất đai, thôn tính kẻ yếu ở chung quanh, hùng cứ một phương. Vì vậy số bộ lạc cứ giảm dần từ 1600 xuống 1000, 500... 100, mà các chư hầu hùng cường đất đai mỗi ngày một rộng, hơn cả thiên tử. Những chư hầu nhỏ bị chư hầu lớn ức hiếp, cầu cứu với thiên tử, thiên tử không cứu nổi, thế là chế độ chỉ còn có cái danh mà không có cái thực.
Danh nhân
a. Lão Tử (Tiếng Trung: 老子, cũng được chuyển tự thành Lao Tzu, Lao Tse, Laotze, Laotsu, và một số cách khác) là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỉ 6 TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh (道德經) - cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道祖).
Người ta biết được rất ít về cuộc đời Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn "Đạo Đức Kinh" đang bị tranh cãi rất nhiều. Lão Tử đã trở thành một anh hùng văn hóa quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ (苦縣) nước Sở (楚), hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑) thuộc tỉnh Hà Nam, trong những năm cuối thời Xuân Thu. Một số truyền thuyết nói rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 8 hay 80 năm, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành "bậc thầy già cả" và "đứa trẻ già".
Danh ngôn
- Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam vạn vật
- Người biết đủ, không bao giờ nhục(tri túc bất nhục)
- Lưới trời lồng lộng, cao mà khó lọt'"Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất"
- Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghị tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật...
- Tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường.
- Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh
- Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên". (đã dịch sang thuần Việt)
b. Khổng Tử (chữ Hán: 孔子; còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子; 27 tháng 8 âm, 551 –11 tháng 4 479 TCN)[1] là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á.
Một số danh ngôn khác
- Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài để nhận lấy chức vị
- Gỗ mục không thể khắc
- Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng
- Muốn biết người phải nghe họ nói
- Dụng nhân như dụng mộc
- Càng lên cao, chân trời càng xa, tầm mắt càng rộng
- Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng, vì rượu đã làm cho lắm người gục ngã.
- Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức.
- Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người.
- Học đi với hành, không chỉ nói cho qua chuyện
- Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời. (Trong việc trị quốc, phải thận trọng không hứa ẩu, biết đãi người hiền, phải được lòng dân)
- Trị dân dùng pháp chế, hình phạt là chính, dân không dám làm điều phạm pháp, trị dân dùng đạo đức, dùng phép tắc, lòng tốt và nhân cách sẽ cảm hoá được dân
- Ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay, hành vi đáng làm thầy người khác
- Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết
- Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc
- Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy
- Bản thân làm điều phải, không ra lệnh người cũng nghe; không đúng thì có ra lệnh người cũng không nghe
- Tụ họp nhau cả ngày, nói năng tào lao, làm những điều nhỏ mọn, nguy lắm thay!
- Sinh ra mà đã biết, là bậc tiên; học rồi mới biết, là bậc thứ; gặp cảnh khốn nạn rồi mới chịu học, lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn nạn rồi mà vẫn không chịu học
- No cơm rửng mỡ chẳng có gì để làm. So với giới cờ bạc, họ còn tệ hơn nữa, vì ít ra giới cờ bạc cũng có việc để làm
- Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học.
- Bạn bè giúp ích cho ta có ba hạng, bạn bè làm hại ta cũng có ba hạng. Bạn ngay thẳng, bạn rộng lượng, bạn nghe biết nhiều, là những người bạn giúp ích cho ta. Bạn vờ vĩnh, bạn khéo chiều chuộng, bạn khéo nói, là những kẻ làm hại ta
- Có ba điều ưa thích có ích, có ba điều ưa thích có hại. Ưa thích lễ nhạc đúng nghi tiết, ưa thích điều thiện của người đạo đức, ưa thích được nhiều bạn hiền, ba điều đó là có ích. Ưa thích thú vui quá đáng, ưa thích chơi bời phóng túng, ưa thích yến tiệc, ba điều đó là có hại vậy.
- Ngô thập dựu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ.
Mạnh Tử (chữ Hán: 孟子; bính âm: Mèng Zǐ; 372–289 trước công nguyên; có một số tài liệu khác ghi là: 385–303 hoặc 302 TCN) là nhà triết học Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử.
Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, sinh vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông mồ côi cha, chịu sự nuôi dạy nghiêm túc của mẹ là Chương thị (người đàn bà họ Chương). Chương thị sau này được biết tới với cái tên Mạnh mẫu (mẹ của Mạnh Tử). Mạnh mẫu đã ba lần chuyển nhà để Mạnh Tử được ở trong môi trường xã hội tốt nhất cho việc học tập, tu dưỡng. Thời niên thiếu, Mạnh Tử làm môn sinh của Tử Tư, tức là Khổng Cấp, cháu nội của Khổng Tử. Vì vậy, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng Khổng giáo. Mạnh Tử là đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời chiến quốc, thời kỳ nở rộ các nhà tư tưởng lớn với các trường phái như Pháp gia, Du thuyết, Nho gia, Mặc gia...(thời kỳ bách gia tranh minh)và cũng là thời kỳ mà các tập đoàn phong kiến tranh giành, xâu xé lẫn nhau gây ra các cuộc chiến tranh liên miên, dân tình vô cùng khổ sở. Tư tưởng của Mạnh Tử phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của ông vua như Khổng Tử, ông chủ trương dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, ông cũng là người đưa ra thuyết tính thiện của con người rằng con người sinh ra đã là thiện rồi nhân chi sơ bản tính thiện, tư tưởng này đối lập với thuyết tính ác của Tuân Tử rằng nhân chi sơ bản tính ác. Ông cho rằng "kẻ lao tâm trị người còn người lao lực thì bị người trị". Học thuyết của ông gói gọi trong các chữ "Nghĩa", "Trí", "Lễ", "Tín". Ông đem học thuyết của mình đi truyền bá đến vua chúa các nước chư hầu như Tề Tuyên Vương (nước Tề), Đằng Văn Công (nước Đằng), Lương Huệ Vương (nước Nguỵ)...nhưng không được áp dụng. Về cuối đời ông dạy học và viết sách, sách Mạnh Tử của ông là một trong những cuốn sách quan trọng của Nho giáo. Ông được xem là ông tổ thứ hai của nho giáo và được hậu thế tôn làm "Á thánh Mạnh Tử" (chỉ đứng sau Khổng Tử).
Mạnh Tử đề xuất tư tưởng người quân tử phải có "Hạo nhiên chính khí", cần "Lấy Đức thu phục người khác", "Người nhân từ khắp thiên hạ không có kẻ thù nào".
Mạnh Tử cho rằng bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện, Đức của một người là quà tặng của thiên thượng (Trời), và được liên thông với thiên thượng. Mọi người đều có bản chất tốt và đạo đức, và nếu một người thủ đức và nỗ lực tu thân, anh ta có thể trở thành người giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn. Mạnh Tử chỉ ra rằng để trở thành một con người có lý niệm, người đó cần phải giữ được 4 tiêu chuẩn, "lòng trắc ẩn, thuộc về lòng nhân từ; sự hổ thẹn, thuộc về nghĩa khí; tâm khiêm nhường, thuộc về lễ nghi; tâm thị phi, thuộc về trí tuệ" (trích từ "Cuốn đầu tay của Công Tôn Sửu" trong ‘các tác phẩm của Mạnh Tử’). Bốn đặc tính của con người này cùng các hành vi tương ứng của họ trở thành nền tảng tạo thành bốn đức tính của lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ nghi, và trí tuệ.[5]
Mạnh tử cả đời vững tin vào chân lý, có trí tuệ dồi dào, giỏi trình bày và phân tích lý luận triết học. Ông kiên định khích lệ người ta làm điều thiện, lời nói nào cũng có tinh thần cổ vũ và dẫn dắt người ta.
Danh ngôn
- "Nhân tâm nhất tân" (Lòng của người, một mới) - Mạnh Tử viết: Nhân, nhân tâm dã; nghĩa, nhân lộ dã (仁人心也、義人路也), nghĩa là 'Nhân' (yêu người), ấy là lòng của người; 'nghĩa' (lẽ phải chăng) ấy là đường để làm người.
- "Vương đạo lạc thổ" (Đường vua, đất vui) - Mạnh Tử viết: Dưỡng sinh táng tử vô hám, vương đạo chi thủy dã (養生喪死無憾、王道之始也), nghĩa là "Nuôi sự sống, mất sự chết, đừng tiếc, ấy là bắt đầu của Vương đạo".
- "Quân tử tam lạc" (Quân tử, ba vui) - Mạnh Tử viết trong sách "Tận Tâm - Thượng (盡心上)": Phụ mẫu câu tồn, huynh đệ vô cố, nhất lạc dã. Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân, nhị lạc dã. Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi, tam lạc dã (父母俱存、兄弟無故、一樂也。 仰不愧於天、俯不怍於人、二樂也。 得天下英才而教育之、三樂也), nghĩa là "Cha mẹ đều còn, anh em không bị gì, ấy là vui thứ nhất. Ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu đối với người mà không thẹn, ấy là vui thứ nhì. Được và dạy anh tài trong thiên hạ, ấy là vui thứ ba".
- "Nhất thiên vạn thặng" (Một trời, muôn xe) - Thầy Mạnh khuyên: Thị thích vạn thặng chi quân, nhược thích hạt phu (視刺萬乘之君、若刺褐夫) nghĩa là "Giết một ông vua có vạn cỗ xe thì cũng không khác việc giết một kẻ thường dân (làm nhục mình)".
5. Nhà Tần
(tiếng Trung: 秦朝; bính âm: Qín Cháo; Wade–Giles: Ch'in Ch'ao; phát âm Tiếng Trung: [tɕʰǐn tʂʰɑ̌ʊ̯]) (221 TCN - 206 TCN) là triều đại kế tục nhà Chu và trước nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tần (Qín), có thể là một nguồn gốc của chữ "China" trong các ngôn ngữ Tây phương. Việc thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN dưới thời Tần Thuỷ Hoàng đã đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc Trung Quốc, một giai đoạn chỉ chấm dứt cùng với sự kết thúc của nhà Thanh năm 1912. Nhà Tần đã để lại một di sản trung ương tập quyền và một hệ thống quan liêu sẽ được áp dụng vào những triều đại kế tiếp sau này.
..
Về mặt truyền thống chúng ta đặt sự khởi đầu của đế chế Tần vào năm 256 TCN, mặc dù sự thống nhất Trung Quốc chỉ xảy ra vào năm 221 TCN. Vào năm 256 TCN, Tần đã trở thành nước mạnh nhất ở Trung Quốc, và tới năm 246 TCN, vương triều rơi vào tay một cậu bé mười ba tuổi, Doanh Chính (Ch’eng). Vì còn nhỏ, hoàng đế cần ở xung quanh các đại thần Pháp gia thông thái. Cố vấn có nhiều quyền lực và được tin cậy nhất là Lý Tư, một trong những nhà tư tưởng nền tảng của phái Pháp gia. Theo sự cố vấn của họ, năm 232 TCN, Doanh Chính (Ch’eng), ở tuổi hai bảy đã bắt đầu một chiến dịch mạnh mẽ nhằm thống nhất và tập trung hoá các quốc gia phía bắc. Các nước xung quanh không phải là đối thủ với sự giàu có và sức mạnh quân sự của Tần, và tới năm 221 TCN, Doanh Chính (Ch’eng) đã chinh phục toàn bộ các nước phía bắc. Ông lấy danh hiệu Tần Thuỷ Hoàng Đế, hay "Vị hoàng đế thủy tổ". Dưới sự lãnh đạo của ông, và sự cố vấn của Lý Tư, Tần Thuỷ Hoàng Đế đã tạo ra kiểu cách một triều đình được coi là kiểu mẫu cho mọi triều đại tiếp sau của Trung Quốc. Đầu tiên, triều đình được tập trung quanh hoàng đế. Nhằm tạo thuận lợi cho việc tập trung hoá, nhà Tần thay thế toàn bộ hệ thống phong kiến cũ theo đó lãnh thổ được kiểm soát bởi các quý tộc ít hay nhiều độc lập bằng một hệ thống quan lại mạnh theo thứ bậc. Tất cả các thành viên của chế độ quan liêu đó cũng như các bộ trưởng của quốc gia sẽ được chỉ định bởi triều đình trung ương. Nhằm bẻ gãy quyền lực của tầng lớp quý tộc, ông tịch thu đất đai của họ và phân chia chúng cho nông dân. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế, thuế được triều đình thu trực tiếp từ những người nông dân mà không cần qua tay tầng lớp quý tộc.
Tuy nhiên, nhà Tần ngoài việc chú trọng đến hành chính của vùng lãnh thổ phía bắc còn lo nhiều việc khác. Họ tiến về phía Nam và lần lượt chinh phục các vùng phía nam Trung Quốc tới tận Sông Hồng ở miền bắc Việt Nam.
6. Nhà Hán
(Trung văn giản thể: 汉朝; Trung văn phồn thể: 漢朝; bính âm: Hàn cháo; Wade–Giles: Han Ch'au; Hán Việt: Hán triều;; 203 TCN–220) là triều đại thứ hai của Trung Quốc, triều đại trước đó là nhà Tần (221-207 TCN), và được tiếp nối bởi thời kỳ Tam Quốc (220-280). Nhà Hán được thành lập bởi Lưu Bang, một lãnh tụ khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Tần, được biết đến sau khi qua đời là Hán Cao Tổ. Triều nhà Hán bị gián đoạn bởi Vương Mãng, một cựu thần nhà Hán, tự lập mình lên làm hoàng đế, thành lập nhà Tân (9-23). Chính việc này đã chia nhà Hán thành hai giai đoạn: Tây Hán (202 TCN-9 SCN) và Đông Hán (23-220). Kéo dài hơn bốn thế kỷ nhà Hán được xem như là một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc.[3] Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán", và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự".[4]
Danh nhân
Tư Mã Thiên
(145 TCN – 86 TCN), tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký (史記); với bộ sử đó, ông được tôn là Sử thánh, một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Ông làm chức Thái sử lệnh (太史令) rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Công trình này là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.
Sử Ký
Trung văn phồn thể: 史記/史记; bính âm: Shǐjì, còn được gọi bằng tên Sách của ông Thái sử (太史公書, Thái sử công thư) là cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống. Vì là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, nó ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này, có thể so sánh Tư Mã Thiên với Herodotus và Sử Ký với cuốn Historiai của ông (theo quan điểm người phương Tây).
7. Thời kỳ Tam Quốc
(phồn thể: 三國, giản thể: 三国, Pinyin: Sānguó) là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.
Trước đó, phần "không chính thức" của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên Thiệu - Viên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lã Bố, quân Khăn Vàng v.v. Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là Ngụy (魏), Thục (蜀) và Ngô (吳). Để phân biệt các quốc gia này với các quốc gia cùng tên nhưng trong các thời kỳ trước đó, người ta đã thêm vào: Ngụy là Tào Ngụy (曹魏), Hán là Thục Hán (蜀漢), và Ngô là Đông Ngô (東吳). Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục (năm 263), nhà Tây Tấn thay thế Ngụy (tháng 2 năm 266 theo dương lịch), và Tấn tiêu diệt Ngô (280).
Tam quốc chí (giản thể: 三国志; phồn thể: 三國志; Wade-Giles: Sanguo Chih; bính âm: Sānguó Zhì), là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ (陈寿) biên soạn vào thế kỉ thứ 3. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, Thục và Ngô của thời đại này, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam quốc diễn nghĩa được viết vào thế kỉ 14.
Trần Thọ Trung văn giản thể: 陈寿; Trung văn phồn thể: 陳壽; bính âm: Chén Shòu (233 - 297) tự là Thừa Tộ, nguyên quán ở quận Ba Tây[1] (nay thuộc địa cấp thị Nam Sung tỉnh Tứ Xuyên), trước làm quan cho nhà Thục Hán, sau khi Thục Hán diệt vong sang làm quan cho nhà Tây Tấn, là tác giả của bộ chính sử Tam quốc chí.
8. Nhà Tấn
(Trung văn giản thể: 晋朝; Trung văn phồn thể: 晉朝; bính âm: Jìn Cháo; Wade–Giles: Chin⁴-ch'ao², phát âm Tiếng Trung: [tɕîn tʂʰɑ̌ʊ]; 266–420 theo dương lịch), là một trong sáu triều đại tiếp sau thời Tam Quốc và trước thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc. Triều đại này do họ Tư Mã thành lập.
Nhà Tây Tấn (西晉) bắt đầu hình thành quyền lực từ Tư Mã Ý, đại thần nhà Ngụy thời Tam Quốc. Sau khi Ngụy Minh đế Tào Tuấn qua đời năm 239, vua nhỏ Tào Phương không có thực quyền, cha con Tư Mã Ý trở thành quyền thần.
Năm 251, Tư Mã Ý chết, hai con Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu thay nhau nắm quyền. Ngay năm sau, Tư Mã Sư phế Vua Ngụy Tào Phương, lập Tào Mao. Sư qua đời, Tư Mã Chiêu một mình nắm quyền. Năm 260, Tào Mao muốn trừ khử Chiêu, bị Chiêu ra tay giết và lập Tào Hoán lên thay, tức Ngụy Nguyên đế.
Sẵn có tiềm lực cả về kinh tế, dân số, về mặt quân sự, họ Tư Mã nắm quyền nước Ngụy là mạnh nhất trong số ba nước. Nước Thục và Ngô có dân cư thưa thớt hơn và ít của cải hơn, do đó dần dần bị nước Ngụy lấn át.
Năm 263, Ngụy đánh Thục và nhanh chóng tiêu diệt chiếm Thục (đầu năm 264), Vua Thục là Lưu Thiện đầu hàng.
Năm 264, Tư Mã Chiêu qua đời. Con cả Chiêu là Tư Mã Viêm lên thay. Tào Hoán thiện vị cho Tư Mã Viêm vào ngày Nhâm Tuất (13) tháng 12 năm Ất Dậu[1][2] (tức 4 tháng 2 năm 266 theo dương lịch), Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế vào ngày Bính Dần (17) cùng tháng [2][3] (tức 8 tháng 2), lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ đế (266-290). Tư Mã Ý được truy tôn làm Tuyên đế, Tư Mã Sư làm Cảnh đế, Tư Mã Chiêu làm Văn đế.
Năm 280, Tấn Vũ đế chinh phục nốt nước Ngô, bắt Vua Ngô là Tôn Hạo. Trung Quốc lại được thống nhất, và Tấn Vũ đế mở rộng quyền lực của mình về phía bắc đến trung tâm Triều Tiên và phía nam đến hết Giao Châu (Việt Nam).
Vương Hi Chi (Hán tự: 王羲之, Bính âm: Wang Xizhi, 303 – 361[1][2]) tự Dật Thiếu, hiệu Đạm Trai, là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Ông được nhìn nhận không chỉ là danh nhân thời Đông Tấn mà trong cả lịch sử Trung Quốc.
9. Nam Bắc triều
(tiếng Trung: 南北朝; bính âm: Nánběicháo, 420-589[chú 1][1]) là một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ năm 420 khi Lưu Dụ soán Đông Tấn mà lập nên Lưu Tống, kéo dài đến năm 589 khi Tùy diệt Trần. Về trình tự, thời kỳ Nam Bắc triều nối tiếp thời kỳ Đông Tấn-Ngũ Hồ thập lục quốc, sau nó là triều Tùy. Do hai thế lực bắc-nam đối lập trong một thời gian dài, do vậy gọi là Nam Bắc triều. Nam triều (420-589) bao gồm bốn triều đại[chú 2]: Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần; Bắc triều (439-589[chú 1]) bao gồm năm triều đại: Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu.
10. Nhà Tùy hay triều Tùy
(tiếng Trung: 隋朝; bính âm: Suí cháo; Hán-Việt: Tùy triều, 581-619) là một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, kế thừa Nam-Bắc triều, theo sau nó là triều Đường. Năm 581, Tùy Văn Đế Dương Kiên thụ thiện từ Bắc Chu Tĩnh Đế mà kiến lập triều Tùy; đến năm 619 thì Hoàng Thái Chủ Dương Đồng nhường ngôi cho Vương Thế Sung, triều Tùy diệt vong, vận nước kéo dài 38 năm.[1] Từ khi Tùy Văn Đế lên ngôi, triều đình căn cứ theo kinh nghiệm thời Nam-Bắc triều mà tiến hành cải cách chế độ chính trị, cho xây dựng Đại Vận Hà kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều thành thị dọc theo kênh, thay thế phế lập rất nhiều thứ cũ mới. Trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao, triều Tùy có ảnh hưởng sâu rộng đến triều Đường, triều Tống, và các triều đại sau này của Trung Quốc.
11. Nhà Đường
(tiếng Trung: 唐朝; bính âm: Táng Cháo, Hán Việt: Đường triều; phát âm Tiếng Trung: [tʰɑ̌ŋ tʂʰɑ̌ʊ]; tiếng Hán trung đại: Dâng) (18 tháng 6, 618 - 1 tháng 6, 907) là một triều đại Trung Quốc tiếp nối sau nhà Tùy và sau nó là thời kì Ngũ Đại Thập Quốc. Nhà Đường được gia tộc họ Lý (李) thành lập. Gia tộc này thâu tóm lấy quyền hành khi nhà Tùy suy sụp rồi sụp đổ. Triều đại này bị gián đoạn khi Hoàng đế Võ Tắc Thiên nắm lấy quyền hành và lập ra nhà Võ Chu (8 tháng 10, 690 - 3 tháng 3, 705). Bà là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nhà Đường với kinh đô Trường An (là thành phố đông dân nhất thời bấy giờ, nay là Tây An) được các nhà sử học coi là đỉnh cao trong văn minh Trung Hoa; ngang bằng hoặc vượt trội hơn so với thời kì đầu nhà Hán — một thời kì hoàng kim của văn minh thế giới.
Nhan Chân Khanh (giản thể: 颜真卿; phồn thể: 顏真卿; bính âm: Yán Zhēnqīng; Wade-Giles: Yen Chench'ing, 709–785) là một nhà thư pháp Trung Quốc hàng đầu và là một vị quan thái thú trung thành của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Do được phong chức Lỗ quận công nên đời sau còn gọi ông là Nhan Lỗ Công.
Trương Húc (張旭, khoảng 658 - 747), tên chữ Bá Cao (伯高); là nhà thơ và là nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Đường, Trung Quốc.
12. Ngũ Đại Thập Quốc
Nhà Hậu Tấn (936-947) là một trong năm triều đại, gọi là Ngũ đại trong thời Ngũ đại Thập quốc (907-960) ở Trung Quốc.
(Trung văn giản thể: 五代十国; Trung văn phồn thể: 五代十國; bính âm: Wǔdài Shíguó, 907-979) là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi triều Đường diệt vong, kéo dài đến khi triều Tống thống nhất Trung Quốc bản thổ. Thời kỳ này phân thành Ngũ Đại (907-960) cùng Thập Quốc (907-979). Về bản chất, Ngũ Đại Thập Quốc là sự tiếp nối của tình trạng phiên trấn cát cứ dưới triều Đường và tình hình chính trị hậu kỳ của triều Đường. Sau khi triều Đường diệt vong, phiên trấn các nơi tự lập quốc, trong đó tại khu vực Hoa Bắc, các quốc gia phiên trấn lực mạnh được gọi là Ngũ Đại, trong đó có các chính quyền do tộc Sa Đà kiến lập. Năm nước này mặc dù có thực lực lớn mạnh, song vẫn không có khả năng khống chế toàn bộ Trung Quốc bản thổ, chỉ là triều đình theo kiểu phiên trấn. Ở các phương khác cũng có một vài chính quyền phiên trấn xưng đế, một vài chính quyền phụng Ngũ Đại làm tông chủ quốc, trong đó có mười nước với thời gian tồn tại tương đối lâu dài, quốc lực khá mạnh, gọi chung là "Thập Quốc". Trong thời kỳ này, thường phát sinh tình huống phản biến đoạt vị, dẫn đến chiến loạn không ngừng nghỉ, những người thống trị phần nhiều là trọng võ khinh văn. Trong bối cảnh Trung Quốc có nội loạn, Khiết Đan Quốc có cơ hội xâm lấn phương Nam, Liêu Quốc được kiến lập.[tham 1] Ngũ Đại Thập Quốc là một thời kỳ trọng yếu trong lịch sử Trung Quốc, trong giai đoạn này Hà Tây và Tĩnh Hải quân dần dần "ly tâm", Tĩnh Hải quân (miền Bắc Việt Nam) cuối cùng thoát ly Trung Quốc để trở thành một quốc gia độc lập.
Cựu Đường thư (tiếng Trung phồn thể: 舊唐書, giản thể: 旧唐书; bính âm: Jiù táng shū) là bộ sách lịch sử nằm trong 24 bộ chính sử Trung Quốc do sử quan Lưu Hu triều Hậu Tấn biên soạn. Bắt đầu vào năm Thiên Phúc thứ sáu (941) Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường đời Hậu Tấn lệnh cho Trương Chiêu Viễn và Giả Vĩ phụ trách việc biên soạn sách sử về nhà Đường, dưới sự giám sát sửa chữa của tể tướng Triệu Oánh. Đến năm Khai Vận thứ hai đời Tấn Xuất Đế (Thạch Trọng Quý), (945) thì sách viết xong,[1] ban đầu sách có tên là Đường thư (唐書/唐书).[2] Do khi đó Lưu Hu là tể tướng giám sát việc tu sửa, xuất bản nên người ta coi sách này là do ông chủ biên.
Lưu Hú (chữ Hán: 劉昫; bính âm: Liú Xù) (887 – 946), tự Diệu Viễn, người Quy Nghĩa Trác Châu thời Ngũ Đại Thập Quốc, là nhà chính trị nhà Hậu Tấn. Thời Trang Tông nhà Hậu Đường từng giữ chức Thái thường bác sĩ, Hàn lâm học sĩ. Thời Hậu Tấn, làm quan tới chức Tư không, Bình chương sự. Năm Khai Vận thứ hai (945) đời vua Hậu Tấn Xuất Đế được mời biên soạn bộ chính sử "Đường thư" (Cựu Đường thư) gồm 200 quyển. Thực tế theo giới nghiên cứu cho biết tác giả thực sự của bộ chính sử là Triệu Oánh.
Nam Đường Hậu Chủ (chữ Hán: 南唐後主; 937-978), tên thật là Lý Dục[1] (tiếng Trung: 李煜; bính âm: Lǐ Yù), còn có tên khác là Lý Tòng Gia (李從嘉), là vị vua cuối cùng nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời, ông còn là nhà thơ, từ, họa sĩ và nhà thư pháp Trung Quốc thế kỷ 10[2][3].
13. Nhà Tống
(tiếng Trung: 宋朝; bính âm: Sòng Cháo; Wade-Giles: Sung Ch'ao; Hán-Việt: Tống Triều; phát âm Tiếng Trung: [sʊ̂ŋ tʂʰɑ̌ʊ̯]) là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ năm 960 đến 1279, họ đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, và được thay thế bởi nhà Nguyên. Nhà Tống là nhà nước đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy, và nhà nước Trung Quốc đầu tiên đã thành lập nên lực lượng hải quân thường trực lâu dài. Triều đại này đã chứng kiến việc lần đầu tiên sử dụng thuốc súng, cũng như nhận thức về cách sử dụng la bàn.
Triều nhà Tống được chia thành hai giai đoạn riêng biệt: Bắc Tống và Nam Tống. Bắc Tống (tiếng Trung: 北宋, 960-1127) là giai đoạn khi thủ đô của họ ở thành phố Biện Kinh (nay là Khai Phong) ở miền bắc và triều đình kiểm soát toàn bộ Trung Hoa. Nam Tống (tiếng Trung: 南宋, 1127-1279) để chỉ khoảng thời gian khi nhà Tống đã mất quyền kiểm soát phía bắc cho người Nữ Chân nhà Kim, trong thời gian này triều đình nhà Tống lui về phía nam sông Dương Tử và lập kinh đô ở Lâm Ấp (nay là Hàng Châu). Mặc dù nhà Tống đã mất quyền cai quản khu vực nền móng của nền nông nghiệp Trung Hoa quanh dòng sông Hoàng Hà, nhưng nền kinh tế nhà Tống không nằm trong đống đổ nát, dân số nhà Nam Tống chiếm gần 60% toàn bộ dân số Trung Hoa thời bấy giờ và nền nông nghiệp cũng trở nên hiệu quả nhất.[1] Triều Nam Tống dành sự ủng hộ đáng kể cho nền hải quân, tạo nên sức mạnh bảo vệ vùng biển và biên giới đất liền cũng như tiến hành những nhiệm vụ hàng hải ra nước ngoài.
Tân Đường thư (chữ Hán giản thể: 新唐书; phồn thể: 新唐書) là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) do Âu Dương Tu thời Bắc Tống chủ biên cùng Tống Kỳ, Phạm Trấn, Lữ Hạ Khanh tham gia vào việc viết và biên soạn vào năm Khánh Lịch thứ 4 (năm 1044), đến tháng 7 năm Chí Hòa nguyên niên (năm 1054) thì hoàn thành.
Tên gốc ban đầu là Đường thư, người đời sau để phân biệt với Cựu Đường thư của Lưu Hu nhà Hậu Tấn thời Ngũ đại thập quốc nên đổi tên bộ chính sử thành Tân Đường thư.
Âu Dương Tu (1007 - 1072) có tên tự là Vĩnh Thúc hiệu "Tuý Ông" là nhà thơ thời Tống ở Trung Quốc.
Quê Âu Dương Tu ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Năm Thiên Thánh thứ 7(1030) đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông làm Binh bộ Thượng Thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.
Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm Từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại "thi thoại"(bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc.[1] Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Tuý Ông đình kí, Mai Thánh Du thi tập tự, Thu thanh phú, Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với 6 cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).
Tô Thức (Chữ Hán: 苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Đông Pha là một nhà thư pháp có bút pháp liệt vào hàng nổi tiếng và có giá trị nhất.
Đông Pha là một họa sĩ nổi tiếng về vẽ trúc và núi. Năm 1065, vào làm việc ở Sử quán có cơ hội đọc những sách quí và các danh họa tàng trữ ở bí thư các.
14. Nhà Nguyên
(tiếng Trung: 元朝; Hán-Việt: Nguyên triều, tiếng Mông Cổ cổ: Dai Ön Yeke Mongghul Ulus; tiếng Mông Cổ hiện đại: Их Юань улс[1])), quốc hiệu là Đại Nguyên, là một quốc gia do người Mông Cổ sáng lập tồn tại chính thức từ 1271 đến 1368, cũng thỉnh thoảng được gọi là nhà Nguyên Mông. Trong lịch sử Trung Quốc, nó nối tiếp sau nhà Tống (960-1279) và trước nhà Minh. Trong khi trên danh nghĩa, họ nắm quyền kiểm soát toàn bộ Đế chế Mông Cổ (trải dài từ Đông Âu tới Trung Đông và Nga), Trung Quốc và Triều Tiên, các vua cai trị Mông Cổ ở châu Á chỉ quan tâm tới Trung Quốc, và họ không bao giờ chú ý tới những phần khác của Đế quốc Mông Cổ. Những vị vua kế tục sau này thậm chí còn không lấy danh hiệu Khakhan (Khả Hãn) mà tự coi mình là hoàng đế Trung Hoa.
La Quán Trung tên là Bản, tên chữ là Quán Trung, lại có biệt hiệu là "Hồ Hải tản nhân" có thể là người Thái Nguyên (còn có thuyết cho rằng ông là người Lư Lăng, Tiền Đường, Đông Nguyên. v. v...). Ông sinh vào cuối đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh, ước chừng vào khoảng năm 1300 đến năm 1400 giữa thời thống trị của nhà Nguyên Thuận Đế (Thỏa Hoàn Thiếp Mộc Nhĩ) và Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương). Có thuyết còn nói rõ rằng ông sinh năm 1328 và mất năm 1398.[1]
Ông rất có tài văn chương, rất giỏi về từ khúc, câu đối, lại viết cả các loại kịch, nhưng nổi tiếng nhất là về tiểu thuyết. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa và còn có thuyết cho rằng: La Quán Trung cũng là một người tham gia soạn và chỉnh biên tác phẩm Thủy hử, đó là hai cuốn tiểu thuyết trong Tứ đại danh tác – bốn tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn học cổ điển Trung Hoa. Nhiều sử gia văn học không chắc chắn rằng hai người này là một, hay là tên Thi Nại Am được dùng làm bút danh của Thủy Hử vì tác giả không muốn bị dính líu vào việc chống chính phủ như trong tác phẩm này. Ông là người đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử đời Minh-Thanh.
Tam quốc chí (giản thể: 三国志; phồn thể: 三國志; Wade-Giles: Sanguo Chih; bính âm: Sānguó Zhì), là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ (陈寿) biên soạn vào thế kỉ thứ 3. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, Thục và Ngô của thời đại này, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam quốc diễn nghĩa được viết vào thế kỉ 14.
Thủy hử hay Thủy hử truyện (phồn thể: 水滸傳; giản thể: 水浒传; bính âm: Shuǐhǔ Zhuàn), nghĩa đen là "bến nước", là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người cho là của La Quán Trung[cần dẫn nguồn]. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự[1] Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).
Thi Nại Am, (tiếng Trung: 施耐庵) (1296? - 1370?) là một tác giả Trung Quốc, được cho là người biên soạn đầu tiên của Thủy Hử. Người ta biết rất ít thông tin về ông. Một số học giả ngày nay nghi ngờ về sự tồn tại của Thi Nại Am và cho rằng tên gọi này chỉ là bút danh của La Quán Trung[cần dẫn nguồn], người cũng được cho là đóng góp trong vai trò người biên tập chính của Thủy Hử.
15. Nhà Minh
(Chữ Hán: 明朝; Hán-Việt: Minh triều), quốc hiệu Đại Minh (Chữ Hán: 大明), là triều đình phong kiến cai trị Trung Quốc trong 276 năm (từ 1368 đến 1644) sau khi nhà Nguyên của người Mông Cổ cai trị Trung Quốc sụp đổ. Nhà Minh được miêu tả là "một trong những thời đại vĩ đại nhất của chính quyền có tổ chức và xã hội ổn định trong lịch sử nhân loại".[2] Đây là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc được người Hán cai trị. Mặc dù thủ đô Bắc Kinh của nhà Minh thất thủ năm 1644 bởi cuộc bạo động được chỉ huy bởi Lý Tự Thành (người lập ra nhà Đại Thuận, sau này người Mãn Châu chiếm quyền lực và lập ra nhà Thanh), những triều thần trung thành của nhà Minh vẫn duy trì được ngôi báu, thường gọi là nhà Nam Minh, kéo dài đến hết năm 1662.
Dưới thời Minh, một Quân đội với lực lượng hải quân đông đảo được xây dựng, gồm cả những chiếc thuyền bốn cột buồm với lượng giãn nước 1.500 tấn và một đội quân thường trực lên tới một triệu người.[3] Hơn 100.000 tấn sắt được sản xuất ra hàng năm tại Bắc Trung Quốc (khoảng 1 kg trên đầu người), nhiều cuốn sách được in theo kỹ thuật xếp chữ rời. Đã có những tư tưởng phán kháng mạnh mẽ trong dân chúng chống lại sự cai trị của bộ tộc "phi Hán" trong thời nhà Thanh sau đó, và sự tái lập nhà Minh luôn được kêu gọi thực hiện cho tới khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập.
Tác phẩm
a.
Tây Du Ký (phồn thể: 西遊記; giản thể: 西游记; bính âm: Xī Yóu Jì; Wade-Giles: Hsi Yu Chi), là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, và được xem là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ[cần dẫn nguồn]. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đi lấy kinh.
Ngô Thừa Ân (tiếng Trung phồn thể: 吳承恩; giản thể: 吴承恩; bính âm: Wú Chéng'ēn) (1500? hoặc 1506?-1581), tự Nhữ Trung (汝忠), hiệu Xạ Dương sơn nhân (射阳山人), là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, sống trong thời nhà Minh.
b.
Nguyên sử (tiếng Trung: 元史, bính âm: Yuán Shǐ) là một tác phẩm do Tống Liêm (1310-1381) và một số quan lại khác phụng mệnh Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương biên soạn năm 1370. Do thời gian biên soạn ngắn, nên chất lượng Nguyên sử bị đánh giá là thấp nhất trong Nhị thập tứ sử. Đến thời sau, Trung Quốc đã phải biên soạn bộ Tân Nguyên sử để sửa những sai sót của Nguyên sử.
Sách viết về giai đoạn từ Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân tới Nguyên Thuận Đế Thỏa Hoàn Thiết Mộc Nhi của nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc và lịch sử Mông Cổ.
Tống Liêm (chữ Hán: 宋濂; bính âm: Song Lian) (1310 – 1381) là nhà chính trị, nhà sử học, nhà văn, nho sĩ, đại thần cuối thời Nguyên đầu thời Minh, tự Cảnh Liêm, hiệu Tiềm Khê, Vô Tương Cư, Long Môn Tử, Huyền Chân Tử, người Phố Giang huyện Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang (nay thuộc thôn Tiềm Khê, Kim Hoa), từng giữ chức Hàn lâm, chủ biên bộ "Nguyên sử", sau vì gặp tai họa bị Minh Thái Tổ phạt đày ra đất Thục, mắc bệnh chết ở đó.
c.
Kim Bình Mai (金瓶梅, Jīnpíngméi), tên đầy đủ là Kim Bình Mai từ thoại (Truyện kể có xen thi từ về Kim Bình Mai); là bộ tiểu thuyết dài gồm 100 hồi [1] của Trung Quốc.
Đây là "bộ truyện dài đầu tiên mà cốt truyện hoàn toàn là hư cấu sáng tạo của một cá nhân". Trước đó, các truyện kể đều dựa ít nhiều vào sử sách hoặc truyện kể dân gian, và đều là sự chắp nối công công sức của nhiều người[2]. Tên truyện do tên ba nhân vật nữ là Phan Kim Liên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai mà thành.
Theo một số nhà nghiên cứu văn học, thì tác giả là một người ở Sơn Đông không rõ họ tên, có bút hiệu là Tiếu Tiếu Sinh (có nghĩa là "Ông thầy cười") [3].
Có thể nói trong các tiểu thuyết viết về "nhân tình thế thái" (nói gọn là "thế tình", tức "tình đời") ở Trung Quốc, thì đây là truyện có tiếng nhất, đã khiến cho nhiều người bàn luận [4].
Theo bài tựa của Hân Hân Tử ở trong sách Kim Bình Mai từ thoại, thì tác giả là Lan Lăng Tiếu Tiếu sinh (có nghĩa là "Ông thầy cười" ở Lan Lăng) hay nói gọn là Tiếu Tiếu Sinh.
Song đây chỉ là bút hiệu, còn tên thật của tác giả là gì thì có nhiều lời đồn đoán, như đó có thể là Hân Hân Tử, là Vương Thế Trinh, hoặc là: Lý Khai Tiên, Triệu Nam Tinh, Tiết Ứng Kỳ,...nhưng tất cả đều không đủ chứng cứ để chắc chắn. Vì vậy, trong cuốn Vạn Lịch dã hoạch biên, Thẩm Đức Phù chỉ nói tác giả là một "đại danh sĩ" thời Gia Tĩnh (niên hiệu vua Minh Thế Tông từ 1522 đến 1566). Ý kiến này có thể xác đáng, vì thời gian sáng tác và thời gian sống của tác giả khá ăn khớp nhau.
16. Nhà Thanh
(tiếng Mãn Châu: daicing gurun; tiếng Mông Cổ: Манж Чин Улс; chữ Hán: 清朝; bính âm: Qīng cháo; Wade-Giles: Ch'ing ch'ao; âm Hán-Việt: Thanh triều) là một triều đại do dòng họ Ái Tân Giác La (Aisin Gioro) ở Mãn Châu thành lập, nên còn được gọi là Đế quốc Mãn Châu. Khi đó, Mãn Châu là một địa danh nằm phía bắc bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, vùng đất này bị phân chia giữa Viễn Đông Nga và đông bắc Trung Quốc. Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc và Mông Cổ.
Từng được người Nữ Chân xây dựng và tuyên bố là Hậu Kim Triều năm 1616 tại Mãn Châu,[1] năm 1636, nó đổi tên thành "Thanh", và mở rộng vào lục địa Đông Á và các lãnh thổ xung quanh, lập nên Đại Thanh Quốc (chữ Hán: 大清國; bính âm: dàqīngguó). Nhà Thanh chinh phục và trở thành triều đình cai trị của: Trung Quốc (1644-1659), Đài Loan (1683), Mông Cổ (1691), Tây Tạng (1751), Tân Cương (1759); hoàn thành cuộc chinh phục của người Mãn Châu.
Minh sử (chữ Hán: 明史) là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) do Trương Đình Ngọc thời Thanh viết và biên soạn, công việc biên soạn trải qua một thời gian lâu dài bắt đầu từ năm Thuận Trị nguyên niên (năm 1645) tới năm Càn Long thứ 4 (năm 1739) thì hoàn thành, phần lớn việc biên soạn được thực hiện dưới thời Khang Hy.
Trương Đình Ngọc (chữ Hán: 張廷玉; bính âm: Zhang Tingyu) (29 tháng 10, 1672 (năm Khang Hy thứ 11) – 30 tháng 4, 1755 (Năm Càn Long thứ 20)) tự là Hành Thần, hiệu Nghiên Trai, tên thụy là Văn Hòa, người Đồng Thành An Huy, là Bảo Hòa Điện Đại học sĩ nhà Thanh, Quân cơ đại thần, Thái tử Thái bảo, được phong làm Tam Đẳng Bá, là nguyên lão phụng sự 3 triều vua, làm quan được 50 năm, đồng thời là chủ biên bộ chính sử Minh sử.
Hồng lâu mộng Trung văn giản thể: 红楼梦; Trung văn phồn thể: 紅樓夢; bính âm: Hónglóu mèng hay tên gốc Thạch đầu kí Trung văn giản thể: 石头记; Trung văn phồn thể: 石頭記; bính âm: Shítóu jì là một trong bốn kiệt tác (tứ đại kì thư) của văn học cổ điển Trung Quốc (3 kiệt tác kia là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây du kí của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử của Thi Nại Am). Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Tác phẩm ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần (曹雪芹) viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.
Tào Tuyết Cần (chữ Hán: 曹雪芹; bính âm: Cáo Xuěqín) (1724? - 1763?), tên thật là Tào Triêm (曹霑), tự là Mộng Nguyễn (梦阮), hiệu là Tuyết Cần, Cần Phố, Cần Khê là một tiểu thuyết gia vĩ đại người Trung Quốc, tác giả của cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, một trong tứ đại kỳ thư của văn học cổ điển Trung Quốc. Tổ tiên ông vốn là người Hán ở Liêu Dương, sau đó tổ xa của ông là Tào Tuấn quy hàng Mãn Châu, nhập tịch Mãn tộc.
17. Trung Hoa Dân Quốc
(chữ Hán phồn thể: 中華民國; chữ Hán giản thể: 中华民国) được thành lập vào năm 1912 và nó quản lý đại lục Trung Quốc cho đến năm 1949, khi bị mất đại lục trong nội chiến Trung Quốc và rút về Đài Loan.[1] Như một thời kỳ của lịch sử Trung Quốc đại lục, nhà nước cộng hoà tiếp nối nhà Thanh và được kế thừa bởi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đại tổng thống lầm thời đầu tiên, Tôn Trung Sơn chỉ phục vụ một thời gian ngắn. Quốc Dân Đảng sau đó do Tống Giáo Nhân đứng đầu, giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào tháng 12 năm 1912. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân đội của phe Bắc Dương do Tổng thống Viên Thế Khải đứng đầu đã giữ quyền kiểm soát chính phủ trung ương. Sau cái chết của họ Viên vào năm 1916, quân phiệt địa phương đã khẳng định quyền tự chủ.
Năm 1925, Trung Quốc Quốc dân đảng thành lập một chính phủ đối lập gọi là Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc ở khu phía nam của thành phố Quảng Châu (Canton).
Tân Nguyên sử (chữ Hán: 新元史) là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) do Kha Thiệu Văn (1850 – 1933, một thành viên của nhóm biên soạn Thanh sử cảo) cuối thời Thanh đầu thời Dân Quốc viết và biên soạn, tới năm 1919 thì hoàn thành, bộ Tân Nguyên sử này ra đời nhằm sửa chữa những sai sót từ bộ Nguyên sử cũ, đến năm 1921 bộ sách được Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Từ Thế Xương công nhận là chính sử, đổi Nhị thập tứ sử thành Nhị thập ngũ sử.
Kha Thiệu Văn (chữ Hán: 柯劭忞; bính âm: Ke Shao Min) (1848 – 1933) tự Phượng Tôn, người huyện Giao Sơn Đông, là nhà sử học, nhà quốc học đầu thời Dân Quốc, từng giữ chức ủy viên ban quản trị và giáo sư trường Đại học Phụ Nhân Thiên Chúa giáo.
Thanh sử cảo (清史稿) là bản thảo một bộ tư liệu lịch sử về thời nhà Thanh, bắt đầu từ khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích (hay Thanh Thái tổ) lập ra nhà Thanh vào năm 1616 đến khi Cách mạng Tân Hợi kết thúc sự thống trị của nhà Thanh vào năm 1911. Thanh sử cảo được xem là một chính sử của Trung Quốc, tương đương với Nhị thập tứ sử.
Dự án biên soạn bộ tư liệu lịch sử này bắt đầu từ năm 1914. Vào năm đó, Viên Thế Khải lập ra Thanh sử quán và mời hơn 100 sử gia Trung Quốc do Triệu Nhĩ Tốn (趙爾巽) đứng đầu tới cùng biên soạn Thanh sử. Năm 1920, bản thảo sơ bộ lần thứ nhất hoàn thành. Năm 1926, bản thảo đã tu chính được hoàn thành. Tuy nhiên do chiến tranh khiến cho nguồn tài chính cho dự án biên soạn bị cắt từ năm 1927, người ta đã gấp rút đưa ra bản thảo để đem in. Năm 1928, Thanh sử được đem in. Năm 1929 được phát hành. Do bị mất nguồn tài chính, dự án buộc phải kết thúc sớm và kết quả là nó đã không hoàn chỉnh, vẫn còn ở trong giai đoạn sơ thảo. Các soạn giả công khai thừa nhận rằng bộ sử này còn có nhiều lỗi. Chính vì vậy bộ Thanh sử này thường được gọi là Thanh sử cảo (cảo nghĩa là bản thảo).
Đội ngũ biên soạn bộ sử này cũng cố gắng xây dựng một kết cấu giống các pho chính sử của các triều đại trước, nghĩa là bao gồm 4 phần.
- 本纪 (Bản kí), bao gồm các thông tin liên quan đến các vị hoàng đế nhà Thanh
- 志 (Chí), bao gồm các sự kiện xảy ra
- 表 (Biểu), bao gồm các nhân vật nổi tiếng của thời đại
- 列传 (Liệt truyện), bao gồm các thông tin liên quan đến các nhân vật nổi bật.
Bộ sử này bị phê phán là thiên vị chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Viên Thế Khải trong các nội dung về cuộc Cách mạng Tân Hợi. Nó thiếu các thông tin về các nhân vật lịch sử trong cuộc cách mạng mặc dù họ sinh ra vào trước thời điểm nhà Thanh chấm dứt sự tồn tại. Song nó lại có khá nhiều thông tin về các nhân vật sinh sau khi nhà Thanh sụp đổ.
Khoảng 1100 bản của Thanh sử cảo đã được xuất bản. Chính quyền Dân Quốc đã mang 400 bản tới các tỉnh miền Bắc và biên tập lại hai lần. Do đó mà Thanh sử cảo có những 3 phiên bản.
Năm 1961, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan đã cho biên soạn bộ Thanh Sử trên cơ sở Thanh sử cảo. Tuy nhiên chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục không công nhận bộ Thanh Sử là một nguồn chính sử.
Triệu Nhĩ Tốn (chữ Hán: 趙爾巽; bính âm: Zhào Ĕrxùn) (1844 – 1927) là nhà chính trị, sử gia cuối thời Thanh đầu thời Dân Quốc, tự "Công Tương", hiệu "Dĩ San", là người của Hán Quân Chính Lam Kỳ, tổ tiên gốc Thịnh Kinh (nay thuộc tỉnh Liêu Ninh), quê Phụng Thiên, Thiết Lĩnh. được bổ nhiệm làm quan địa phương cuối thời Thanh, từng trấn áp thành công thế lực cách mạng Tân Hợi trong thời kỳ làm tổng đốc tỉnh Đông Tam. Sau cách mạng Tân Hợi ông được chính phủ của Viên Thế Khải, Đoàn Kỳ Thụy mời làm chủ biên bộ ‘’Thanh sử cảo’’. Em trai là Triệu Nhĩ Phong (趙爾豊) nổi tiếng vì bình ổn Tây Tạng cuối thời Thanh.
18. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Trong nhiều thập kỷ, trên quan điểm chính trị, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từng được biết đến là một thực thể chính trị đồng nghĩa với Trung Quốc lục địa. Về mặt lịch sử, cái tên đó bao hàm những giai đoạn lịch sử gần đây nhất trong lịch sử Trung Quốc nối tiếp sau các chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm và nền Cộng hoà. Kỷ nguyên chính thức khởi đầu tại Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, sau một chiến thắng toàn diện trong Nội chiến Trung Quốc, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên Quảng trường Thiên An Môn. Kỷ nguyên hiện được gọi là Lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vì thế, giai đoạn lịch sử này kéo dài từ năm 1949 đến hiện nay và bao gồm cả những thập kỷ tranh chấp chính trị, kinh tế và cải cách xã hội, cũng như nhiều phong trào gây ảnh hưởng cả bên trong cũng như trên phạm vi quốc tế.
19. Trung Hoa Dân Quốc
(Trung văn giản thể: 中华民国; Trung văn phồn thể: 中華民國; Hán ngữ bính âm: Zhōnghuá Mínguó; Bính âm thông dụng: Jhonghuá Mínguó) là một quốc gia thuộc Đông Á. Lãnh thổ của nó đã từng bao trùm toàn cõi Trung Quốc, sau lệnh ngưng bắn tạm thời trong cuộc Nội chiến Trung Quốc, vào năm 1949 phe cộng sản đã nắm quyền kiểm soát Trung Hoa đại lục, hiện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) chỉ quản lý các đảo Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ. Kể từ cuối thập niên 1990, Trung Hoa Dân Quốc thường được gọi là "Đài Loan" (台灣), và kể từ cuối thập niên 1970 tên "Trung Quốc" đã được sử dụng nhiều hơn để chỉ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục Trung Quốc. Vì những lý do chính trị, Trung Hoa Dân Quốc đôi khi còn được các tổ chức quốc tế gọi là "Trung Hoa Đài Bắc" (中華台北).
No comments:
Post a Comment