Sunday, 26 July 2015

Em o dau Lan Thuong..

 
 
 Xoài, món em thích

Em ở đầu Lan Thương
Anh ở cuối Lan Thương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước Lan Thương

“Mê kông ký sự” - Bộ phim của những người “liều mạng”

Thứ Tư 7:25 22/02/2006 
 
 
Thung lũng hoa cải vàng, nơi đoàn làm phim đi qua  
“Nếu liều mà thành công thì được gọi là táo bạo. Còn thất bại thì sẽ bị phê là liều lĩnh. Cuối cùng thì chúng tôi - cả đoàn làm phim Mê Kông ký sự trở về trong an toàn và được khen tặng hai chữ táo bạo”
Để có được những thước phim tài liệu về thượng nguồn sông Mê Kông - phần Trung Quốc–  25 tập mở đầu hay nhất của 61 tập phim Mê Kông ký sự đã phát trên các đài truyền hình trong cả nước, những người táo bạo ấy đã phải đối mặt với những nguy hiểm không lường trước nhưng bù lại họ cũng được lên đến… thiên đàng.
Họ gồm: NSND Phạm Khắc, biên kịch Trần Đức Tuấn, đạo diễn Dư Hoàng, quay phim Đức Long, Việt Phước, Ngọc Hùng…
Hiện nay, Mê Kông ký sự đang là bộ phim với nhiều kỷ lục: là bộ phim tài liệu dài nhất Việt Nam: 90 tập. Thời gian thực hiện lâu nhất: 3 năm 4 tháng. Bán được nhiều đĩa nhất: 30.000 đĩa với 6 lần tái bản liên tục trong vòng 1 năm – và cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên bán được và có lãi.
Là bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên bị phát hành lậu tại Mỹ và cũng tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường băng đĩa lậu TP Hồ Chí Minh.
Qua một số thông tin từ Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, hãng phim TFS – nơi sản xuất bộ phim này, cho biết, hiện 30 tập phần Việt Nam đang sắp hoàn tất và sẽ trình chiếu vào cuối năm 2006. Có thể nói, hấp dẫn nhất chính là phần kết – nơi con sông Mê Kông chảy qua nước thứ 6, nước Việt ta!
NSND Phạm Khắc – người đã đưa ra ý tưởng và thành lập đoàn làm phim “Mê Kông ký sự” nói: “Chúng tôi biết ý nghĩa của việc mình đang làm. Nhưng quả thật chúng tôi không thể lường được địa hình, thời tiết ở thượng nguồn sông Mê Kông lại khắc nghiệt và nguy hiểm đến thế. Bây giờ giả dụ có quay trở lại cũng không thể có đủ sức khỏe và tinh thần say mê để quên hết hiểm nguy vượt qua”.
Ấn tượng nhất trong 25 tập đầu của Mê Kông ký sự chính là những hình ảnh tuyệt đẹp của Thanh Hải với 3 con sông tạo hợp thành Mê Kông là Tử khúc hà, Trác khúc hà và Ngang khúc hà.
Chuyến đi đầu tiên năm 2001 là chuyến tiền trạm đầy giản khổ như vậy không làm cho ông “sợ” sao mà vẫn dấn thân vào chuyến đi năm 2004 để là một trong những người Việt Nam đầu tiên đứng ngay đầu nguồn Mê Kông?
Niềm đam mê vẻ đẹp của thiên nhiên chiến thắng tất cả mọi nỗi sợ hãi và lo lắng. Không phải là tôi không nao núng. Nhất là chuyến đi cuối cùng, trong đoàn có cả con trai ruột của tôi là Việt Phước và chính Phước là người đã bị bệnh, bị bỏ lại ở Ngọc Thụ (tập 20) sau những giằng xé và cả đứt ruột vì lo cho con.
Thậm chí cả đoàn đều nghĩ “hay dừng lại ở đây, về nhà đâu có ai trách mình”. Nhưng nhìn lại chặng đường hàng chục ngàn cây số đã qua với 200 cây số còn lại, chúng tôi đã quyết định lên đường.
Và đó là quyết định đúng khi chúng tôi đến được Nhiên Đạt– đầu nguồn của Mê Kông. Thực ra tôi vẫn còn một giấc mơ sau chuyến đi này, đó là có thể đến được Mạc Vân còn cách Nhiên Đạt 70 cây số… nhưng chỉ có thể đi bộ.
Dân địa phương ở đó khuyên chúng tôi không đi vì thời tiết rất xấu. Năm 1994, một đoàn thám hiểm người Đức đã đến được Mạc Vân và khẳng định Mạc Vân chính là đầu nguồn sông Mê Kông và người Trung Quốc cũng công nhận.
Chỉ có điều họ là những nhà thám hiểm chuyên nghiệp với đầy đủ các phương tiện. Còn chúng tôi chỉ có 5,6 con người kèm theo máy quay phim và máy ảnh, ngay cả dụng cụ leo núi hay giày dép gì đó… đều không có.
Điều nguy hiểm nhất mà cả đoàn gặp trên đường đến với thượng nguồn Mê Kông là gì?
Chính là độ cao, chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với những ngọn núi cao từ 3.500 mét đến hơn 5.000 mét. Mà ai cũng có bệnh huyết áp… Mỗi lần đến nơi là một lần chiến thắng.
Trong phim có cảnh NSND Phạm Khắc phát những viên thuốc con nhộng màu đỏ cho các thành viên trong đoàn – đó chính là một loại thuốc uống chống độ cao do người địa phương cung cấp.
Cũng theo một thành viên trong đoàn thì hầu hết mọi người đều bị trạng thái đau đầu, khó thở, đầu óc cứ mụ mị dần đi. Chỉ có ông Phạm Khắc là tỉnh táo, mọi người chỉ giật mình tỉnh lại sau khi nghe tiếng hô của ông “Dừng lại, xuống quay!”. Xuống xe ai cũng thấy hạnh phúc vì cảnh đẹp vô cùng.
Thưa ông, có người hỏi đã làm được “Mê Kông ký sự”, sao không làm tiếp Sông Hồng ký sự chẳng hạn ?
Nếu bây giờ làm “Sông Hồng ký sự” cũng không có gì khó vì chúng tôi đã đi qua Hoàng Hà, Trường Giang… là những nơi đầu nguồn của sông Hồng. Có thể đây sẽ là dự án tiếp theo.
Nghe nói trong thời gian thực hiện phim, không ai biết các ông đang chuẩn bị cho ra đời một “công trình” lớn như thế?
Chúng tôi làm âm thầm, lặng lẽ vì không muốn “nói trước bước không qua”. Đến khi phát sóng rồi, cũng không muốn ồn ào. Nhưng không ngờ phim được nhiều tầng lớp quan tâm và xem.
Chỉ tiếc là ngay tại TP Hồ Chí Minh, đài truyền hình phát sóng vào thời điểm không thuận (7h30 sáng) trong khi Đài THVN lại phát sóng đúng giờ có nhiều người xem nên càng có tiếng vang.
NSND Phạm Khắc còn là nhà nhiếp ảnh duy nhất của “Mê Kông ký sự” đang lưu giữ 10.000 bức ảnh chụp Mê Kông từ thượng nguồn cho đến mũi Cà Mau. Ông đang chuẩn bị cho tập sách ảnh về Mê Kông sẽ được xuất bản nay mai.
Đạo diễn Dư Hoàng – người ít xuất hiện nhất trên phim vì anh kiêm quay phim luôn, nhưng lại là người nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất trong chuyến đi này. Rất cởi mở, anh kể về chuyện bị… chó cắn (phát 10 giây trong tập 24):
"Đoàn đang trên đường về và chuẩn bị “ca khúc Khải hoàn”. Qua huyện Mã Đa, đoàn dừng lại để quay bổ sung một ngôi chùa rất đẹp. Theo thói quen, tôi nhảy xuống lấy máy tiến vào.
Gần đến cổng, tôi đã liếc thấy bên cạnh chùa có một nhà dân và con chó của họ đã được cột. Yên tâm đưa máy lên quay. Không ngờ vừa bấm máy thì nghe tiếng gầm gừ.
Một con nhảy lên táp vào cánh chiếc máy quay khiến nó văng ra xa lăn lông lốc.Tôi lấy tay gạt con chó ra thì bên kia, con khác nhảy lên táp vào cánh tay tôi…
Cứ như thế hai con chó thi nhau cắn xé… Ông Phạm Khắc la to lên. Một người phụ nữ trong nhà chạy ra mới đuổi hai con chó đi. Mọi người dìu tôi ra xe, máu me bê bết và tôi gần như bất tỉnh.
 Anh lái người Trung Quốc vội vàng chạy xe như bay trên con đường ngoằn nghoèo, khúc khuỷu, vượt 100 cây số mới đến trạm xá. Anh hét bảo người trong xe không cho tôi ngất vì nếu ngất sẽ “đi luôn”.
Cũng may vì chúng tôi có đem theo bình ôxy cho nên tôi được sơ cứu. Đến cổng trạm xá, anh lái xe vác tôi cũng ngất luôn. Long– quay phim chạy đến dìu cả hai chúng tôi vào giường, bác sĩ đến thì Long cũng ngất. Xe sau của ông Phạm Khắc đến nơi, thấy 3 người ngất, ông cũng muốn ngất!
Tôi nói thiệt, phim này là phim của những người liều mạng mà vì không biết nên mới liều mạng! Nhưng bù lại, chúng tôi lại có những thời khắc thiên đường, nhất là khi được đứng trước núi non hùng vĩ và những đồi hoa cải dầu vàng rực rỡ, hay buổi tối ở khu thành cổ Lệ Giang- Vân Nam… Không thể tả được cảm giác lúc đó. "
Anh còn tiếc điều gì không khi thực hiện xong phim này?
Còn chứ. Chẳng hạn như tục lệ Điểu táng của người Tây Tạng, ngàn năm một thuở chúng tôi mới được tận mắt. Tôi nghe nói ở nước ngoài để có những thước phim về tục lệ này họ phải sang Tây Tạng để dựng lại.
Trong khi đó thì chúng tôi không ngờ lại gặp. Vậy mà tôi đã không quay cảnh này. Tục lệ điểu táng của họ là khi có người chết, họ cầu kinh rất nhiều ngày đêm rồi sau đó chặt thành nhiều khúc, đem ra thảo nguyên.
Những con chim lớn xếp hàng lặng lẽ chờ, khi những thầy táng đưa xác người ra, chúng sẽ cắp đi, mỗi con một miếng…
Đối với người Tây Tạng, cái chết không có gì là ghê gớm mà chỉ là một sự chuyển kiếp. Linh hồn cư trú nơi thân xác khi chết phải phát tán khắp nơi thì mới sớm siêu thoát chứ không vấn vương chốn cũ.
Hay là chúng tôi bắt gặp một người đàn ông quần áo rách rưới, mặt mày bê bết bùn đất, ông ta cứ đi năm bước lại quỳ xuống lạy rạp xuống đường – một kiểu lạy của người Tây Tạng để tỏ lòng tôn kính Đức Phật bằng cả con người – Bạn có biết là ông ta đã vừa đi vừa lạy như thế gần 100 cây số từ ngôi làng nhỏ của mình đến Lasa? Phải nói ấn tượng nhất của tôi về dân tộc Tạng chính là sự sùng đạo của họ.
Nhiều người còn tiếc là nếu phim đi sâu hơn nữa vào đời sống của những dân tộc quanh vùng thượng nguồn Mê Kông thì sẽ rất tuyệt. Nhưng khán giả hầu hết đều khâm phục đoàn làm phim.
Chuyến đi này thành công không thể không nói tới những người bạn Trung Quốc tuyệt vời. Họ là hướng dẫn viên, tài xế và cả những con người mà đoàn gặp trên đường.
Vì đoàn phim đi trong âm thầm lặng lẽ, cho nên cũng đã nhiều lần phải vất vả lắm mới không bị tịch thu máy do quay trong những chỗ không cho phép ở chùa chiền.
Sau này rút kinh nghiệm, ở những nơi thiêng liêng như Lasa – đền thờ Phật… các quay phim trong đoàn phải quay lén bằng chiếc máy quay du lịch nhỏ đeo trước ngực, vậy mà vẫn được những thước phim rất đẹp và quý giá.
Câu chuyện của đạo diễn Dư Hoàng vẫn còn rất dài khi anh kể đến những ngày tháng ở Myanmar, Lào, Thái Lan. Nhưng những ấn tượng sâu sắc nhất của anh vẫn nằm phần lớn ở thượng nguồn Mê Kông- phần trên đất Trung Quốc.
Anh kể khi cả đoàn chia tay nhau ở Lạng Sơn, một người bạn nữ Trung Quốc đã đề tặng bài thơ phỏng theo thơ cổ cho đạo diễn Dư Hoàng, bài thơ về con sông huyền thoại của 6 nước như sau:

Em ở đầu Lan Thương
Anh ở cuối Lan Thương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước Lan Thương

Người Trung Quốc gọi sông Mê Kông là Lan Thương - những con sóng màu xanh.
Theo TP

No comments: