Hội an quê nhà.. ước mơ được cùng nhau về thăm Hội an..
Ngộ thương,
Ông Tejaniya hay nhắc đến cụm từ thái độ chân chánh trong khi thiền Vipassana. Do do, anh dán lên để tham khảo.
ĐN
Thái Độ Chân Chánh
(Yoniso manasikāra)
U. Tejaniya
Có tâm thư giãn và hay biết là điều vô cùng quan
trọng, nhưng được có thái độ chân chánh, gìn giữ tâm mình
nằm trong khuôn khổ chân chánh, quả thật rất thiết yếu cho
công trình hành thiền.
Thái độ chân chánh là thế nào?
Có thái độ chân chánh là có lối nhìn sự vật khiến mình
an vui, thoải mái, và cảm nghe thanh bình thơ thới với bất
luận gì mình đang kinh nghiệm.
Suy tư và nhận thức sai lầm mê muội dễ cho ô nhiễm ảnh hưởng
đến tâm tánh và thái độ mình.
Tất cả chúng ta đều có thái độ sai lầm; điều đó không
thể tránh. Như vậy chớ nên cố gắng tạo cho mình thái độ
chân chánh, hãy cố gắng nhìn nhận nếu ta có thái độ bất chân
chánh hay thái độ chân chánh.
Hay biết khi ta có thái độ chân chánh là rất quan trọng, nhưng càng
quan trọng hơn nữa là nhìn nhận và tìm hiểu thái độ bất chánh của ta.
Hãy cố gắng hiểu biết thái độ bất chánh của ta; cố tìm xem nó ảnh
hưởng đến pháp hành của ta như thế nào, và nhìn thấy nó tạo
cho ta những cảm giác gì. Như vậy, hãy tự quán chiếu và cố
gắng xem trạng thái tâm nào mình đang nhìn để thực hành.
Thái độ chân chánh giúp cho ta chấp thuận, thừa nhận
và quán sát bất luận gì xảy diễn -- dầu thích thú hay buồn khổ
-- một cách thản nhiên và giác tỉnh.
Ta phải chấp nhận và quán sát cả hai, những kinh nghiệm thích thú
và những kinh nghiệm buồn khổ.
Mỗi kinh nghiệm, dầu tốt hay xấu, đều
cho ta cơ hội học hỏi để ghi nhận xem tâm có chấp nhận sự
vật đúng như sự vật là vậy không, hoặc nó sẽ ưa thích, ghét
bỏ, phản ứng, hay xem xét.
Ưa thích vật gì có nghĩa là ta ham muốn vật ấy, không
ưa vật gì có nghĩa là ta ghét bỏ. Ham muốn hay ghét bỏ đều
là ô nhiễm phát sanh từ si -- si hay ảo tưởng cũng đều là ô
nhiễm.
Như vậy, không nên cố gắng tạo gì. Cố gắng tạo điều
gì là tham. Không nên loại bỏ điều gì xảy ra, loại bỏ những gì
xảy ra là sân. Không hiểu biết điều gì xảy ra là si.
Không nên cố gắng làm cho sự vật trở nên như ý ta
muốn. Hãy cố gắng hiểu biết điều gì xảy ra, đúng như nó là
vậy. Nghĩ rằng sự vật phải như thế nầy hay thế kia, muốn
điều nầy hay điều kia xảy diễn hay không xảy diễn, là mong
cầu. Tâm mong cầu, tham vọng, là nguyên nhân làm phát
sanh lo âu phiền muộn và đưa đến sân hận.
Điều quan trọng là ta phải hay biết thái độ của mình.
Xét đoán và không vừa lòng với pháp hành của mình
là thái độ không chân chánh. Trạng thái bất mãn phát sanh,
hoặc do ý nghĩ rằng sự vật xảy ra không giống như theo ý ta
nó phải là vậy, hoặc do ý muốn nó phải khác, hoặc do si mê
không biết đúng ra pháp hành phải như thế nào. Những thái
độ như thế nhốt cái tâm lại, gài kín, và gây trở ngại cho pháp
hành của ta.
Hãy cố gắng nhận thức tình trạng bất toại
nguyện của mình, chấp nhận hoàn toàn, và minh mẫn quán
sát. Trong tiến trình nhận xét và tìm hiểu những cảm thọ bất
toại nguyện, ta sẽ thấy rõ nguyên nhân của nó. Khi thấu hiểu
nguyên nhân, biết rõ tại sao mình không vừa lòng, là ta đã giải
quyết vấn đề, nó sẽ không còn trở lại nữa. Càng lúc ta càng
thấy rõ ràng hơn nguyên nhân làm phát sanh lòng bất toại
nguyện trong thân và trong tâm mình. Ta sẽ thận trọng xem
xét tâm mình mỗi khi xét đoán điều gì và dần dần gội rửa, dứt
bỏ mọi sai lầm và bằng cách đó tâm trở nên tinh xảo hơn trong
khi phải đối phó với ô nhiễm, gặp phải những trường hợp bất
toại nguyện.
Nguyên nhân làm khởi sanh thái độ không chân chánh
là tâm si mê. Mọi người chúng ta đều có tâm si. Tất cả
những thái độ bất chánh của ta là hậu quả của các ô nhiễm
tham và sân hoặc nữa cũng là thân bằng quyến thuộc của
chúng, như lòng phấn khởi hân hoan, hay âu sầu phiền muộn,
hoặc lo âu. Không chấp nhận ô nhiễm chỉ làm cho chúng tăng
thêm sức phá rối. Các ô nhiễm cản ngăn bước tiến của pháp
hành và gây trở ngại, không để cho ta sống đầy đủ. Nó cũng
cản ngăn, không để cho ta tìm cuộc sống thật sự an lành và tự
do. Chớ nên xem thường ô nhiễm, chúng nó sẽ cười chế nhạo
ta.
Ta hãy thận trọng canh chừng, chuyên chú đề phòng
ô nhiễm, phải sáng suốt nhận diện những ô nhiễm phát sanh
trong tâm. Hãy cố gắng quan sát và hiểu biết, nhưng không
nên dính mắc với chúng, hãy thoáng nhìn rồi phớt lờ, bỏ qua,
không nên xem nó là chính mình. Khi ta không còn dính mắc
và tự đồng hóa với chúng, thì ô nhiễm sẽ dần dần giảm bớt
sức lôi cuốn. Chừng đó ta hãy cẩn mật tự quán chiếu, xem lại
mình đang hành thiền với thái độ gì.
Hãy lập tâm, luôn luôn nhớ nằm lòng rằng thiền minh
sát là tiến trình liên tục theo dõi và hiểu biết mối liên quan
giữa tâm và thân. Hãy giữ tâm tự nhiên bình thản và đơn
giản, không cần phải làm cho pháp hành chậm lại một cách
không tự nhiên. Ta chỉ giản dị tìm hiểu và thấy sự vật đúng
như sự vật là vậy.
Hãy ghi nhớ, đừng quên rằng đối tượng của sự chú
niệm không quan trọng, chính cái tâm quan sát ẩn tàng nằm
phía sau đang hoạt động thế nào mới thật sự là quan trọng.
Nếu ta quan sát với thái độ chân chánh thì đối tượng sẽ đúng
là đối tượng chân chánh. Ta có thái độ chân chánh không?
No comments:
Post a Comment