Nội dung: Thơ, hình ảnh, âm nhạc, tâm tình, tình yêu, triết lý mà Đổ-Nguyễn và bè bạn quan tâm. Mong có feedback của các bạn ghé thăm blog.Cám ơn các bạn và chúc an vui nhé!/ ĐN
Friday, 6 February 2015
Dòng kệ
Pháp Danh và Người Phật Tử
http://www.tangthuphathoc.net/nghiencuuph/phapdanhvanguoipt.htm
Trích:
Theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam, mỗi khi một tín đồ phát tâm quy y Tam Bảo để chính thức trở thành đệ tử của Đức Phật, vị Bổn Sư sẽ cho một tên mới gồm có hai chữ, gọi là Pháp danh, sau khi đã thọ giới. Pháp danh của người Phật tử tại gia không có chữ Thích đi trước, mà chỉ có những chữ như Cư sĩ, Đạo hữu, Tín nữ, Phật tử … ở phía trước mà thôi. Ngoài ra, tín đồ Phật giáo cũng được đặt Pháp danh sau khi qua đời để sử dụng trong lúc cử hành tang lễ, nếu khi còn tại thế chưa quy y.
Pháp danh gồm hai chữ : -Chữ đầu: chỉ sự liên hệ đến thế hệ trong môn phái, theo chữ trong bài Kệ của Vị Tổ môn phái đó. –Chữ thứ hai: do vị Bổn sư tự chọn, dựa theo ý nghĩa tên tục (thế danh) của người đệ tử, để tạo thành một chữ kép mang ý nghĩa hay đẹp và có tính khuyến tu.
Ví dụ: đệ tử tên Mỹ. quy y với Thầy có pháp danh chữ trước là TÂM, thì chữ trước của đệ tử sẽ là chữ NGUYÊN, chữ thứ hai Thầy chọn là MÃN, tức là NGUYÊN MÃN. Lý do: chữ Nguyên theo thứ tự trong bài kệ của Ngài Tổ Liễu Quán nằm sau chữ Tâm; chọn chữ Mãn là hợp theo ý của tên Mỹ để tạo thành một chữ kép có nghĩa tu hành được tốt đẹp ( Mỹ Mãn).
Đôi khi, tên người đệ tử đã mang sẵn chữ có ý nghĩa đạo và lại phù hợp với chữ trong bài Kệ, thì Vị Bổn Sư giữ nguyên mà không cần thay đổi, hoặc giả tên không thể tìm được chữ ghép thì có thể lấy chữ trong tên của các vị La Hán, Bồ Tát v.v… để tạo thành Pháp danh.
Phật Giáo Việt Nam hiện nay đều xuất xứ từ Thiền Tông và đa số thuộc dòng Tào Động (ở miền Bắc) và, Lâm Tế (ở miền Nam). Các Long Vị của các Ngài Tổ thấy ghi là Lâm Tế, nhưng thực tế Pháp tu lại kiêm cả Tịnh Độ Tông và Mật Tông, ví dụ như, ở Huế hiện tại ít nhất cũng đang truyền thừa theo ba bài Kệ của từng vị Tổ Môn Phái xuất Kệ, các Vị này đều thuộc dòng Lâm Tế.
NHỮNG BÀI KỆ ĐƯỢC DÙNG:
• Môn phái Hải Đức (Huế) và môn phái Thập Tháp Di Đà (Bình Định) dùng bài Kệ của Ngài Thiền Sư Vạn Phong Thời Ủy:
Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh Siêu Minh Thật Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không
Như Nhật Quang Thường Chiếu
Phổ Châu Lợi Ích Đồng
Tín Hương Sanh Phước Huệ
Tương Kế Chấn Từ Phong.
( Quý Thầy thế hệ cao nhất trong môn phái này đang ở khoảng chữ CHƠN)
• Môn phái Ngài Liễu Quán dung bài Kệ sau:
Thật Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong
Giới ĐịnhPhước Huệ
Thể Dung Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả
Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý
Diễn Xướng Chánh Tông
Hạnh Giải Tương Ưng
Đạt Ngộ Chơn Không.
(Quý Thầy thế hệ cao nhất trong môn phái này đang ở chữ TRỪNG)
Hai dòng nói trên phát triển rất mạnh ở Miền Trung và Miền Nam.
• Môn phái Chùa Quốc Ân (Huế) do Tổ Nguyên Thiều lập dùng bài Kệ của Ngài Đạo Mân đời thứ 31:
Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền.
(Quý Thầy cao nhất trong môn phái này đang ở chữ LỆ)
• Môn phái Chùa Chúc Thánh thuộc Ngài Minh Hải Pháp Bảo (Quảng Nam Đà Nẵng) biệt xuất bài Kệ:
Minh Thật Pháp Toàn Chương
Ân Chơn Như Thị Đồng
Chuc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tuyên
Tổ Đạo Hạnh Giải Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.
• Ngài Trí Thắng Bích Dung đời thứ 41 biệt xuất bài Kệ:
Trí Huệ Thanh Tịnh
Đạo Đức Viên Minh
Chơn Như Tánh Hải
Tịch Chiếu Phổ Thông
Tâm Nguyên Quảng Tục
Bổn Giac Xương Long
Năng Nhơn Thánh Quả
Thường Diễn Khoan Hoằng
Duy Truyền Pháp Ấn
Chánh Ngộ Hội Dung
Không Trì Giời Hạnh
Vĩnh Kế Tổ Tông.
• Ngài Minh Hành Tại Toại ở Miền Bắc biệt xuất bài Kệ:
Minh Chơn Như Bảo Hải
Kim Tường Phổ Chiếu Thông
Chí Đạo Thành Chánh Quả
Giác Ngộ Chứng Chơn Thường.
• Ngài Tri Giáo Nhất Cú Tông Tào Động cũng biệt xuất bài Kệ:
Tịnh Trí Viên Thông Tông Từ Tánh
Khoan Giác Đạo Sanh Thị Chánh Tâm
Mật Hạnh Nhân Đức Xương Lương Huệ
Đăng Phổ Chiếu Hoằng Pháp Vĩnh Trường.
Ba bài Kệ sau cùng này người viết chưa đủ duyên để được gặp Quý Thầy thuộc các Môn Phái đó nên không biết những chi tiết khác.
Ngoài ra, gần đây về phía Nữ Phật Tử cũng có một số được đặt Pháp Danh mang chữ DIỆU, MINH như Phật Giáo Nhật Bản, Trung Quốc v.v….
Trên đây là những điều mà cá nhân người viết đã may mắn được sự chỉ dẫn và giải thích của Quý Thầy trong thời gian học hỏi và phụ giúp về nghi lễ. Ngoài ra, trong Nghi Lễ, Pháp danh chỉ được dùng trong Sớ để tác bạch lên Chư phật và Bồ tát mà thôi, còn như các việc khác, đối với các bậc xuất gia thì có Pháp Tự, Pháp Hiệu; đối với hàng tại gia thì có Tự, Hiệu … Do đó, mà Phật Tử chúng ta rất khó biết được Pháp Danh của Quý Thầy, Quý Sư Cô.
Với sự hiểu biết rất thô thiển qua sự chỉ bày của Quý Thầy và kinh nghiệm bản thân, chắc chắn còn nhiều Môn Phái khác mà chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ mong người Phật tử chúng ta biết được phần nào nguồn gốc, ý nghĩa và sự liên hệ giữa Pháp Danh với chính bản thân mình trong việc tu học.
Ngưỡng mong các bậc Tôn Túc, Thiện Tri Thức chỉ dạy thêm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment